Xuất khẩu lao động của Trung Quốc ở tiểu vùng Mê Kông mở rộng

ThienNhien.Net – Dân số Trung Quốc ngày càng tăng nhanh, trong khi nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế mỗi ngày thêm cạn kiệt. Bởi thế, di cư lao động sang các khu vực lân cận, chủ yếu là tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMSR – Greater Mekong Sub-region), nơi sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào chưa được khai thác hết, được coi là chiến lược của đất nước đông dân nhất thế giới này. Việc xuất khẩu này một mặt mang lại sự đảm bảo nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển kinh tế của Trung Quốc trong tương lai thông qua các dự án đầu tư khai thác, song mặt khác chúng cũng để lại cho các nước sở tại nhiều vấn đề xã hội nhức nhối.


Di cư về cơ bản là sự phản ứng trước những thay đổi trong phân bổ nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên trên toàn thế giới hay biến đổi của môi trường. Con người di chuyển từ nơi này đến nơi khác nhằm tận dụng lợi thế của điều kiện khí hậu, khai thác các vùng đất màu mỡ hơn để có được nguồn thu nhập cao hơn, có nhiều việc làm hơn hoặc để thoát khỏi sự đàn áp, phân biệt đối xử hoặc vì nhiều lợi ích khác.

Từ nhiều thế kỷ nay người Trung Quốc đã di cư tới và từ tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, một khu vực rộng lớn bao gồm các nước Thái Lan, Miến Điện, Lào, Căm-pu-chia, Việt Nam và tỉnh Vân Nam Trung Quốc.

Số liệu báo cáo về tình trạng di cư trên toàn thế giới năm 2005 đã đưa ra con số 200 triệu người di cư, trong đó có tới 35 triệu người Trung Quốc. Con số này hiện đang tăng lên với tốc độ đáng kể. Tỉ lệ di cư hiện nay của Trung Quốc là 0,3/1000 dân và di cư quốc tế chiếm 0,04% tổng dân số.

Công nhân Trung Quốc đã đặt chân tới hầu như mọi quốc gia trên thế giới. Ban đầu họ di cư để tìm kiếm những cơ hội tốt hơn cho bản thân họ, rồi sau đó các tập đoàn của Trung Quốc quốc tế hóa, mở rộng đầu tư ra nước ngoài, đưa lao động đến xây dựng cơ sở hạ tầng tại các quốc gia mà Trung Quốc đã đặt quan hệ ngoại giao nhằm tìm cách khai thác các nguồn tài nguyên vốn đang khan hiếm.

Lao động di cư vùng GMSR

Tại khu vực GMSR và Nam Á, nhìn chung lực lượng lao động di cư ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế. Ở Nam Á, ước tính có khoảng 13 triệu người là công nhân di cư và trong số đó có khoảng 5 triệu người cùng khu vực GMSR. Việc đưa ra một số liệu chính xác về tình trạng di cư là khó có thể thực hiện bởi hiện vẫn còn một lượng lớn những người dân nhập cư không chính thức hay trái phép.

Hầu hết lao động di cư tới GMSR đều không có kĩ năng, hoặc chỉ được yêu cầu làm những công việc không đòi hỏi kĩ năng. Những công nhân này phải đối mặt với mức lương thấp và thường không được bảo hộ thích đáng. Tiền công gửi về quê hương là nguồn thu quan trọng trong thu nhập của gia đình họ và cả quốc gia. Các quốc gia GMSP vừa là nguồn cung cấp lao động di cư lại vừa tiếp nhận lao động di cư từ các nước khác.

Các công nhân đang đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và đất nước sở tại nhờ đóng góp của họ trong xây dựng cơ sở hạ tầng, trong việc đáp ứng nguồn lao động có kĩ năng cho các dự án FDI, và nguồn lao động phổ thông đảm nhận các công việc 3D (Dirty – bẩn, Dangerous – nguy hiểm và Demanding- khắt khe).

Lao động di cư từ Trung Quốc trong dòng lịch sử

Người di cư Trung Quốc đã và đang di chuyển xuống phương Nam trong nhiều thế kỷ. Phong trào di cư ở GMSR từ lâu nay thường là di chuyển từ Bắc xuống Nam. Do đặc tính địa hình phía Bắc nhiều đồi núi hiểm trở, rừng rậm nên việc di chuyển xuống các vùng đồng bằng, thung lũng ở phía Nam là cách thuận lợi nhất để phát triển sinh kế.

Người dân tộc Trung Quốc được chào đón ở một số quốc gia trong vùng GMSR, đặc biệt là Thái Lan, nơi thuê họ làm nghề thủ công, hình thành cơ sở cho tầng lớp lao động thành thị của Thái Lan. Nhìn chung, người Trung Quốc hòa nhập thành công vào cộng đồng GMSR đã phải trải qua một quá trình đồng hóa, lặng lẽ phát triển mạng lưới kinh doanh của mình và tìm kiếm cơ hội.

Từ khi Trung Quốc thông qua chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình và thực hiện cải tổ nền kinh tế, có một số yếu tố đã thúc đẩy một lượng lớn người Trung Quốc di cư ra nước ngoài. Thứ nhất, việc tạo điều kiện cho người Trung Quốc du lịch nước ngoài đã làm tăng số người Trung Quốc di cư không chính thức, bằng cách tham gia vào các tour du lịch trọn gói và không trở về khi chuyến đi kết thúc. Thứ hai, việc sửa đổi hệ thống đăng ký cư trú đã tạo điều kiện cho hàng triệu người di chuyển từ nông thôn ra thành thị, điều mà trước đây là không hợp pháp và rất khó khăn. Sự dịch chuyển này, vượt quá cả sự di cư ra ngước ngoài, đã tăng thêm lợi thế của nguồn nhân công rẻ mạt trong các ngành sản xuất và đóng góp rất nhiều cho sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc thời gian gần đây.

Nguồn nhân công này đã góp phần giữ lương ở mức thấp, khiến cho các doanh nghiệp không muốn cải tạo hoặc nâng cấp sản xuất nhằm tăng thêm các giá trị gia tăng. Từ đây, một thế hệ người thất nghiệp mới, những người có kỹ năng hơn và không thể hoặc không sẵn sàng sống trên đồng lương được trả bởi các nhà máy sản xuất đã chạy theo phong trào di cư ra nước ngoài..

Một luồng lao động di cư khác hiện đang gây quan ngại chính là đối tượng nhập cư để làm việc cho dự án đầu tư của Trung Quốc tại các nước GMSR. Lào và Miến Điện hiện nay đón nhận các dự án phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng chủ yếu do người lao động Trung Quốc thực hiện. Tương tự như tại các nước châu Phi, các dự án đầu tư của Trung Quốc đều nhằm hỗ trợ chiến lược của chính phủ nước này về đảm bảo nguồn cung cấp tài nguyên phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước trong tương lai. Các báo cáo cho thấy sau khi kết thúc hợp đồng lao động, phần lớn những người lao động này đều có ý định ở lại nước sở tại, định cư và tự phát triển kinh doanh.

Đặc điểm và hình thức di cư của lao động Trung Quốc

Một báo cáo của cơ quan thống kê Trung Quốc cho biết mặc dù lao động di cư chủ yếu là nam giới, số lượng phụ nữ tham gia vào hoạt động này đã tăng lên chưa từng thấy. Những phụ nữ trẻ, chưa lập gia đình thường được ưu tiên làm việc trong các nhà máy, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Châu Giang. Những người nhập cư có xu hướng được đào tạo nhiều hơn những người bản địa và xu hướng này ngày càng rõ rệt. Những người di cư là nam giới có xu hướng được đào tạo tốt hơn phụ nữ.

Lao động di cư chủ yếu làm việc trong các ngành sản xuất, bán lẻ và dịch vụ. Rất ít phụ nữ nhận được các vị trí kỹ thuật hay văn phòng.

Một nghiên cứu về di dân của phụ nữ Vân Nam sang Thái Lan, chủ yếu là từ khu vực phía Nam lên phía Bắc, chỉ ra xu hướng di cư chủ yếu là để tảo hôn và cho thấy ảnh hưởng của tình trạng hôn nhân bị sắp đặt và các phong tục hứa hôn. Tuy nhiên, di cư hiện nay đối với phụ nữ Trung Quốc, đặc biệt là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số là để tham gia vào các ngành công nghiệp dịch vụ mát xa, giải trí, mại dâm. Một số phụ nữ bị ép buộc bán qua biên giới, một số khác tự nguyện hoặc ít nhất cũng có biểu hiện không muốn trở về quê quán của mình.

Số lượng những người di cư chính thức của Trung Quốc ở GMSR thấp hơn nhiều so với con số thực tế. Không chỉ sự quản lý lỏng lẻo ở vùng biên giới mà những cơ chế khuyến khích của các nước GMSR cũng được đưa ra nhằm hạn chế sự tốn kém và phiền hà trong việc đăng ký xuất khẩu lao động, xin cấp giấy phép lao động và các thủ tục khác nữa.

Hình thức di dân của Trung Quốc hiện nay tương tự như những cuộc di dân trong lịch sử với sự tham gia nhiều tầng lớp dân cư. Nếu trước đây họ di cư dưới danh nghĩa những nhà kinh doanh tư bản hay dân lao động nội địa, thì ngày nay dưới hình thức các tập đoàn Trung Quốc tham gia vào kinh tế thế giới, đưa lao động theo những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ảnh hưởng của di cư lao động Trung Quốc

Tất cả các chính phủ các nước GMSR đang phải đối mặt với khó khăn là hạn chế năng lực trong việc thu thập các dữ liệu thống kê về thị trường lao động một cách chính xác và kịp thời. Do đó, họ khó có thể đưa ra những chính sách điều hành thị trường lao động hiệu quả. Những chính sách được đưa ra thường bị phá vỡ bởi sự xuất hiện của những người lao động không chính thức, nằm ngoài vòng quản lý của nhà nước.

Những công nhân không được cấp phép lao động phải chấp nhận mức lương tối thiểu hay thậm chí bị cắt giảm cả những điều kiện làm việc để đảm bảo an toàn. Tình trạng này cũng hạn chế những nỗ lực nhằm nâng cao tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp ở khối nhà nước và tư nhân.

Với tất cả các nước GMSR, việc không thể đưa ra những chính sách lao động phù hợp là một khó khăn nghiêm trọng trong việc hoạch định phát triển kinh tế tương lai một cách hiệu quả.

Từ hình thức di cư thông qua các dự án đầu tư ở nước ngoài, những thị trường mới sẽ được hình thành từ những thương gia Trung Quốc và một phần người dân địa phương. Giả dụ, các khu vực Chinatown (phố Tàu) đang phát triển mạnh ở Viêng Chăn và Phnom Pênh. Thị trường mới và ngành nghề mới phát triển đã gây ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống đô thị và phần nào đó buộc những người nghèo ở thành thị phải di dời đến các khu vực xa xôi hẻo lánh như hồ Boeung Kak ở Căm-pu-chia hay bị bắt buộc dời khỏi thủ đô Phnom Pênh.

Những thay đổi này suy cho cùng cũng chỉ là những tác động phát sinh do chính phủ Trung Quốc muốn đạt được quyền tiếp cận, với ưu đãi đặc biêt, tới nguồn dầu và khí đốt của Căm-pu-chia mới được phát hiện gần đây ở vịnh Thái Lan. Để thực hiện được điều đó, Trung Quốc đã thể hiện thiện chí vượt qua bất đồng giữa hai quốc gia phát sinh từ thời Khơ Me Đỏ thông qua các khoản đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện rộng. Đồng thời, Trung Quốc đã có những khoản đầu tư đáng chú ý trong khai thác tài nguyên (chủ yếu là khai thác gỗ) vốn được cho là thiếu minh bạch. Tuy nhiên, dường như chẳng mấy ai nghi ngờ rằng lợi ích của các nhà đầu tư Trung Quốc đã trở nên gần gũi hơn với các quan chức chính phủ ở Căm-pu-chia và hai bên đều hưởng lợi từ những chương trình đầu tư hiện nay.

Sự thay đổi đô thị trên quy mô lớn ở Phnom Pênh cũng được nhận thấy ở Viêng Chăn – thủ đô của Lào, nơi người Trung Quốc đầu tư xây dựng những khách sạn 5 sao trên đảo. Cũng tương tự như ở Yangon (Miến Điện), nơi những tập đoàn Trung Quốc đang phát triển cảng biển và cơ sở hạ tầng. Hiệp định tự do thương mại Trung Quốc – Thái Lan và việc hoàn thành tuyến đường cao tốc nối Côn Minh với Băng Cốc đã nhanh chóng đưa rau quả nhiệt đới của Trung Quốc đi khắp các hệ thống bán lẻ hiện đại của Thái Lan hiện nay. Chắc chắn, việc này sẽ gây tình trạng thất nghiệp ở miền bắc Thái Lan, nơi trước đây chuyên trồng hành tỏi để phục vụ thị trường nội địa. Tương tự như vậy, những hàng gia công giá rẻ của Trung Quốc cũng tràn ngập mọi nơi. Những siêu thị và cửa hàng tạp hóa mới mở ở thành phố du lịch và dầu mỏ Vũng Tàu ở miền Nam Việt Nam tràn ngập các sản phẩm Trung Quốc, từ đồ chơi tới hàng hóa gia dụng.

Ở Miến Điện và Lào nói riêng, những khu vực mà người di cư Trung Quốc chiếm ưu thế trong các hoạt động kinh tế thường không cho phép người quốc tịch khác tiếp cận, một cách không chính thức, sai quy định và trái pháp luật. Các cơ quan nhà nước đã trao cho những khu vực này một số quyền tự quyết nhất định. Kinh tế những khu vực này có thể phát triển hơn các vùng lân cận, nơi người bản xứ sinh sống và điều này có nguy cơ tạo ra những ác cảm và mâu thuẫn cá nhân. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ chống lại người di cư Trung Quốc trong lịch sử.

Một loạt các vấn đề xã hội khác cũng cần phải được xem xét. Bởi lẽ, sự xuất hiện của một cộng đồng dân lao động di cư nam giới sẽ làm gia tăng cờ bạc, rượu chè, may tuý và mại dâm.

Nhìn ở khía cạch tích cực hơn, những vùng biên giới mà ở đó các hoạt động di cư đang diễn ra sẽ biến vùng đất đó thành một khu vực phát triển hội nhập cả về kinh tế, xã hội.

Sự kì thị, phân biệt sẽ bớt đi giữa những người sống ở hai bên biên giới. Hơn nữa, nhờ mạng lưới liên kết đã tăng cường sự tin cậy lẫn nhau nên trong nhiều trường hợp chi phí kiểm soát giảm, một phần cũng do các thủ tục đã được thống nhất. Điều này dẫn tới việc tăng khối lượng xuất nhập khẩu, qua đó tăng ưu thế cạnh tranh đồng thời làm giảm sự mất cân đối của thị trường.

Vài lời kết luận

Tại các khu vực mà luật pháp còn chưa chặt chẽ, hoạt động của chính quyền còn thiếu minh bạch, trình độ kỹ thuật của cơ quan nhà nước còn hạn chế, mức độ tăng trưởng nhanh trong hoạt động kinh tế của khu vực tư nhân có thể lấn át khu vực kinh tế nhà nước. Việc Trung Quốc tham gia tổ chức các hoạt động kinh tế xuyên biên giới, mà trong nhiều trường hợp, vượt qua khả năng của các cơ quan nhà nước, cũng là nguy cơ tương tự. Kết quả là các khu vực do Trung Quốc đầu tư sẽ ngày càng chiếm phần lớn hơn trong các khu vực có nền kinh tế phát triển hiệu quả, tạo nên sự khác biệt với các khu vực xung quanh. Khi đó những người dân bản địa sẽ cố gắng hòa nhập vào với cộng đồng kinh tế mới, chứ không phải vào đất nước của họ.