ThienNhien.Net – Khi một loại vi khuẩn có sức đề kháng với thuốc kháng sinh, chúng sẽ trở nên nguy hiểm cho người bệnh. Nhưng mới đây các nhà nghiên cứu đã phát minh ra thuốc kháng sinh tấn công vi khuẩn theo một cách hoàn toàn mới, dường như có thể vô hiệu hóa mọi khả năng kháng cự của chúng.
P. aeruginosa là một loại vi khuẩn có khả năng thích nghi cao, xuất hiện ở hầu khắp mọi nơi. Dù hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể ngăn không cho nó gây ra những vấn đề nghiêm trọng, song nó cũng không ngại tận dụng bất kỳ nhược điểm nào trong những cơ thể bị suy giảm miễn dịch để tấn công. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ 4 gây nhiễm trùng ở bệnh viện, tấn công những nạn nhân bỏng và gây ra nhiễm trùng máu cũng như viêm phổi ở bệnh nhân bạch cầu và bệnh nhân AIDS.
Không những thế, vi khuẩn này có khả năng kháng thuốc do thành tế bào gần như không bị thẩm thấu, khiến các loại thuốc khó có thể ngấm vào chúng. Và nếu có lọt qua được “bức thành” kiên cố này thì thuốc kháng sinh cũng chỉ tồn tại ở đó trong một thời gian rất ngắn vì vi khuẩn này đã phát triển những chiếc “bơm ngược” đẩy hoá chất không mong muốn đối với chúng ra ngoài. Chính vì vậy, nhiều người bị nhiễm P. aeruginosa đã phải điều trị bằng thuốc kháng sinh độc hại.
Nhà hóa học John Robinson cùng các cộng sự tại trường Đại học Zurich, Thụy Sĩ đã hợp tác với các nhà khoa học tại công ty dược phẩm Polyphor nghiên cứu để tìm cách chống lại những loại vi khuẩn đáng ghét này. Hệ miễn dịch khỏe mạnh sản sinh ra các phân tử (chuỗi các axit amin) có khả năng tấn công thành tế bào vững chắc của vi khuẩn, và có thể điều chế thuốc kháng sinh từ những chuỗi axit amin này. Nhưng chuỗi axit amin bị cơ thể con người phá vỡ rất nhanh chóng, và người bệnh có thể gặp nguy hiểm nếu dùng với liều cao.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được một phân tử tổng hợp gọi là peptidomimetic có thể làm tê liệt chức năng của LptD – một protein vi khuẩn chỉ được tìm thấy trong Pseudomonas – mà trước đó chưa có thuốc kháng sinh nào có thể làm được. Và họ đã tạo ra peptidomimetic dựa trên một chuỗi axit amin kháng sinh tự nhiên có tên protegrin-I, nhưng họ đã chỉnh cấu trúc phân tử để chuỗi axit amin đó gắn với LptD thay vì các phân tử lipid mà protegrin-I hướng tới.
Thuốc này không tấn công các tế bào của người nhiễm bệnh và ít độc hại hơn protegrin-I. Protein LptD xuất hiện từ bên ngoài của thành tế bào, do đó, peptidomimetic có thể thực hiện nhiệm vụ từ bên ngoài vi khuẩn, khéo léo qua mặt những chiếc “bơm ngược” kháng sinh bên trong của vi khuẩn. Ngoài ra, peptidomimetic có thể ở lại trong máu lâu hơn so với chuỗi axit amin do các enzym không nhận ra phân tử tổng hợp này để phá vỡ nó.
Robinson và các cộng sự đã thử nghiệm loại thuốc tiềm năng này trên cơ thể chuột bị nhiễm trùng máu với Pseudomonas, tỷ lệ khỏi bệnh là 100% và không có tác dụng phụ rõ ràng. Hơn nữa, thử nghiệm cấy mô cho thấy khả năng vô hiệu hóa protein LptD của loại thuốc này làm cho thành tế bào khó thẩm thấu hơn, cho phép sử dụng kết hợp các loại thuốc kháng sinh khác với peptidomimetic để xâm nhập vào tế bào bên trong và điều trị hiệu quả hơn.
Robert Hancock, một nhà vi sinh học tại Đại học British Columbia, Canada, người đã có công phát hiện ra khả năng không bị thẩm thấu của thành tế bào Pseudomonas vào năm 1982, cũng bị ấn tượng trước nghiên cứu này. Ông đã hoài nghi về khả năng mới này (của protein) nhưng đồng thời thấy nó thực sự thú vị mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa tiến hành thí nghiệm để kiểm tra độc tính của thuốc.
Các nhà khoa học cho biết, họ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và đang chuẩn bị để tiến hành thử nghiệm trên cơ thế người. Hy vọng nghiên cứu này sẽ đem lại nhiều kết quả tốt.