Người phụ nữ làm giàu từ kinh tế trang trại

ThienNhien.Net – Đến thăm quan trang trại rộng hơn 4 ha của chị Phùng Thị Hải ở thị trấn Thứa (Lương Tài, Bắc Ninh), thật không khỏi ngạc nhiên khi biết, ngày trước, người phụ nữ này từng là một nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Nhờ tính chịu thương chịu khó, chị Hải đã cải tạo vùng đất trũng, giá trị kinh tế thấp trở thành một trong những trang trại vào loại lớn nhất tỉnh Bắc Ninh.


Biến đất hoang thành tiền tỷ

Trang trại của chị Hải khá khang trang, được sắp xếp một cách bài bản. Bên trên là những dãy nhà nuôi gà, vịt, đà điểu. Bên dưới là ao thả cá, xen kẽ là những hàng cây ăn quả.

Chị Phùng Thị Hải cho biết, trước kia gia đình chị chỉ có vài sào ruộng, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào làm nông nên gặp không ít khó khăn. Bởi vậy, chị tính đến chuyện phát triển nghề chăn nuôi để cải thiện kinh tế gia đình và trang trải chi phí ăn học cho các con.

Ban đầu, chị ra chợ huyện mua 100 con ngan về nuôi thành ngan sinh sản để bán ngan giống. Thế nhưng, khi mang con ngan giống ra chợ bán thì chỉ nhận được những cái lắc đầu của khách hàng. Chị nhận thấy, giống ngan của mình cho giá trị kinh tế thấp nên không được thị trường chấp nhận.

Chị xác định phải thay đổi cách làm. Chị cùng chồng khăn gói lên Viện Chăn nuôi Trung ương để được tư vấn và học tập kiến thức về chăn nuôi. Sau đó, chị mua 200 con ngan giống của Viện Chăn nuôi về nuôi thử.

Mới đầu khách hàng mua ngan giống của chị Hải chỉ là những người quen ở gần nhà. Thấy con ngan giống của chị có chất lượng cao nên những khách hàng này đã giới thiệu cho nhiều người khác, dần dần khách hàng chủ động tìm đến mua con giống của chị ngày càng nhiều.

Thấy nhu cầu của thị trường ngày càng tăng, chị mạnh dạn chuyển từ chăn nuôi hộ gia đình sang xây dựng trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, khoa học hơn.

Năm 2003, chị Hải quyết định thế chấp sổ đỏ, vay vốn ngân hàng và vay người thân, thuê hơn 4 ha đất để xây dựng trang trại. Diện tích đất chị thuê là vùng đất trũng mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa, hiệu quả kinh tế rất thấp, chị đã cải tạo thành trang trại có quy mô thuộc loại lớn nhất tỉnh Bắc Ninh.


Khu nuôi đà điều. (Ảnh Chinhphu.vn)

Thế nhưng, việc làm trang trại cũng không dễ dàng, đợt ấp trứng gà đầu tiên gần như bị hỏng toàn bộ do chị chưa nắm vững kỹ thuật ấp trứng bằng máy. Thất bại đó không làm chị nản lòng, chị tiếp tục đi học thêm kiến thức chăn nuôi ở các lớp tập huấn ở huyện và tỉnh.

Thêm vào đó, chị thường xuyên lên Viện chăn nuôi Trung ương để được tư vấn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi; đồng thời, thuê một kỹ sư của Viện Chăn nuôi về làm việc trực tiếp tại trang trại.

Hiện nay, chị nuôi hơn 8.000 con gà, 2.000 con vịt, khoảng 100 con đà điểu và bán hàng chục tấn cá, thị trường tiêu thụ rộng khắp miền Bắc. Doanh thu của trang trại tăng lên hàng năm.

Dám mạo hiểm

Khi tham gia các lớn tập huấn chăn nuôi, chị Hải được giới thiệu về mô hình nuôi đà điểu. Chị nhận thấy thị trường đang có nhu cầu về thịt đà điểu, trong khi đó, lại có rất ít người nuôi. Bởi vậy, chị táo bạo đưa đà điểu vào nuôi trong trang trại của mình. Chị là người đầu tiên ở tỉnh Bắc Ninh và là một trong những người đi đầu ở miền Bắc nuôi đà điểu với quy mô lớn.

“Lúc mới đầu cũng lo lắm, kiến thức nuôi đà điểu chưa có, vả lại cả tỉnh chưa có mô hình nuôi đà điểu để học hỏi kinh nhiệm. Tôi muốn tìm thêm hướng phát triển mới cho trang trại nên dù mạo hiểm vẫn quyết tâm làm,” chị Phùng Thị Hải cho biết.

Khi nuôi đà điểu thành công, chị Hải lại phải lo đầu ra cho đàn đà điểu. Chị lăn lội đến khắp nơi trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm. Mới đầu, chị phải trực tiếp giao hàng cho khách. Sau đó, các nhà hàng ở nhiều nơi như Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… đã chủ động đến ký hợp đồng dài hạn mua đà điểu thương phẩm của chị.

Từ chỗ, chỉ nuôi thử nghiệm 3 con đà điểu, một tháng sau, đàn đà điểu của chị tăng lên 40 con. Hiện nay, chị có 10 cặp đà điểu sinh sản và 100 con đà điểu thương phẩm. Năm 2009, chị xuất hơn 4,5 tấn đà điểu thương phẩm với giá 85.000 đồng/kg, thu về gần 400 triệu đồng.


Dãy nuôi gà. (Ảnh Chinhphu.vn)

Chưa dừng lại ở đó, chị Hải tiếp tục chấp nhận thử thách mới khi quyết định nuôi rùa và ba ba. Hiện tại, ở tỉnh Bắc Ninh chưa có mô hình nuôi rùa trong trang trại. Một lần nữa, chị lại là người đi đầu trong việc đưa những con vật nuôi mới vào nuôi tại trang trại của mình.

Để có kiến thức nuôi rùa và ba ba, chị Hải trực tiếp sang Trung Quốc tham quan và học hỏi kinh nghiệm ở các trang trại chăn nuôi. Bên cạnh đó, chị còn lên Viện chăn nuôi để được tư vấn kỹ thuật và mua các sách dạy nuôi rùa để đọc vào những lúc rảnh rỗi.

Đầu năm 2008, chị Hải đầu tư hơn 30 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua 20 con rùa từ Trung Quốc (giá 6 triệu một con) và 200 con ba ba về nuôi. Đến nay, những con rùa và ba ba của chị đang sinh trưởng tốt.

Hàng tháng, chị đều mời cán bộ Chi cục Thú y huyện Lương Tài về trang trại lấy mẫu máu vật nuôi để xét nghiệm, phòng trừ dịch bệnh. Nhờ vậy, các sản phẩm chăn nuôi trong trang trại của chị luôn có chất lượng tốt. Vào những thời điểm dịch bệnh gia cầm hoành hành, nhiều trang trại chăn nuôi điêu đứng thì trang trại của chị vẫn nhận được sự tin tưởng của khách hàng.

Mô hình trang trại của chị Hải đã được nhân rộng ra khắp huyện và tỉnh. Thậm chí, các chị em ở nhiều tỉnh miền Bắc như Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Phú Thọ… cũng tìm về trang trại của chị để tham quan và học hỏi. Nhiều năm liền, chị được UBND tỉnh Bắc Ninh tặng bằng khen, năm 2007, chị được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về phát triển kinh tế trang trại.

“Các chị em ở nông thôn thường có tư tưởng làm kinh tế nhỏ lẻ, không dám mạnh dạn đầu tư với quy mô lớn và chưa tổ chức sản xuất theo quy trình khoa học. Chính những điều đó đã hạn chế hiệu quả làm kinh tế trang trại của các chị em”, chị Phùng Thị Hải chia sẻ.