ThienNhien.Net – Trong ngành lâm nghiệp Indonesia đang tồn tại hai thực tế. Một thực tế là những cánh rừng tiếp tục bị tàn phá, những đầm lầy than bùn bị rút hết nước, rừng bị đốt phá để thay thế bằng những đồn điền cây công nghiệp. Trong khi đó, vẫn có một thực tế khác là cây cối đang được trồng lại, rừng được khôi phục với hy vọng giải quyết được vấn đề khí thải trong một tương lai gần.
Đôi khi hai thực tế này lại va chạm với nhau tạo ra những tình huống trớ trêu. Tháng 12 năm 2009, bài phát biểu khởi động Chiến dịch “Mỗi người, một cây” của ông Cornelis, Thống đốc Tây Kalimantan đã nhiều lần bị gián đoạn bởi tiếng ồn của xe tải chất đầy gỗ mới chặt chạy trên đường cao tốc Trans-Kalimantan gần đó.
Tháng 9 năm 2009, trong hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra tại Mỹ, Tổng thống Indonesia, Susilo Bambang Yudhoyono tuyên bố ngành lâm nghiệp Indonesia sẽ cải thiện hiện trạng các khu rừng với mục tiêu giảm 26% lượng phát thải vào năm 2020.
Con số 26% cũng được lặp lại trong suốt cuộc đàm phán khí hậu tại Copenhagen. Tuy nhiên, nhà vận động trồng rừng của Diễn đàn Môi trường Walhi (Indonesia), Teguh Surya cho rằng tổng thống chưa thành thực khi đưa ra cam kết giảm 26% lượng khí thải carbon vào năm 2020.
Bởi lẽ, nhiều cánh rừng của Indonesia đã bị đốt cháy khi chính phủ mở rộng các ngành công nghiệp dầu cọ và giấy, hai ngành công nghiệp trực tiếp và gián tiếp chịu trách nhiệm về vấn nạn này. Trong khi đó, theo kế hoạch, Indonesia sẽ có thêm 20 triệu ha rừng trồng dầu cọ và 9 triệu ha rừng trồng gỗ làm bột giấy. Chưa hết, Bộ Lâm nghiệp cũng có kế hoạch bàn giao 2,2 triệu ha rừng cho các công ty khai mỏ trong mười năm tới. Với tất cả những kế hoạch này, tình hình có thể còn tồi tệ hơn.
Ngày 06 tháng 1 năm 2010, Zulkifli Hasan, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp của Indonesia đã công bố kế hoạch của chính phủ nhằm đạt được chỉ tiêu phát thải đề ra với 21 triệu ha “rừng mới”. Toàn bộ diện tích “rừng mới” này thực chất không phải là rừng, mà chỉ là những đồn điền cây công nghiệp. Tổng diện tích rừng trồng được đề xuất là 50 triệu ha bao gồm 20 triệu ha đồn điền dầu cọ, 9 triệu ha đồn điền gỗ làm bột giấy và 21 triệu ha đồn điền cho mục đích hấp thu carbon.
Indonesia từng bị nêu danh với nạn tham nhũng và gian lận liên quan đến các kế hoạch thúc đẩy trồng rừng. Một bản báo cáo được công bố gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) sau khi xem xét Quỹ trồng rừng của chính phủ Indonesia, được khởi xướng từ năm 1989 dưới thời tổng thống Soeharto, đã cho biết có một nguồn tiền lớn chảy vào những công ty có quan hệ gần gũi với giới chính trị.
Bản kiểm toán năm 1999 của tổ chức Ernst and Young cũng phát hiện thấy hơn 5 tỷ USD của Quỹ tái trồng rừng đã biến mất trong khoảng thời gian từ năm 1993 đến năm 1998. Bản kiểm toán này không được phát hành công khai.
Ngoài số tiền thất thoát xung quanh các đồn điền đề xuất, nhiều khoản tiền lớn có thể đổ vào Indonesia thông qua các đề án REDD. Theo một báo cáo của Liên minh Khí hậu Rừng Indonesia, nước này có thể nhận được 4,5 tỷ USD/năm nếu giảm được 30% nạn phá rừng.
Christopher Barr, đồng tác giả của báo cáo CIFOR lại lo ngại rằng, dù tình hình đã được cải thiện kể từ sau sự sụp đổ của Soeharto năm 1998, hiện nay việc giám sát tài chính ở Indonesia vẫn chưa được cải thiện và sự lũng đoạn rất có khả năng tái diễn.
Thêm vào đó, nạn phá rừng sẽ còn tiếp diễn chừng nào chính phủ còn khuyến khích việc mở rộng các ngành công nghiệp đáng phải chịu trách nhiệm về phá hoại rừng.