ThienNhien.Net – Tính đến nay, Dự án Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, do Công ty Đầu tư Phát triển lâm – nông – công nghiệp và dịch vụ Đăk Tô thực hiện đã trồng được gần 5ha trên tổng số 8ha vườn sâm giống. Trong đó, diện tích do Lâm trường Ngọc Linh trồng chiếm 11,3%; Sở Khoa học và Công nghệ chiếm 16,2% và Dự án 661 khoảng 72,5%. Nhìn chung các vườn sâm đều sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo tìm hiểu của báo Nhân dân ngày 1/3/2010, Dự án này UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt từ 2005, với sự tham gia của toàn cộng đồng, tổng vốn đầu tư khoảng 15, 422 tỷ đồng. Dự án được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2005 đến 2014; giai đoạn 2 từ năm 2014 trở đi.
Cây sâm Ngọc Linh (có tên khoa học là Panax vietnamensis hay sâm K5, sâm Việt Nam) được phát hiện lần đầu vào năm 1973 tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Đây cũng là loài nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, sâm Ngọc Linh có tác tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ôxi hoá, lão hoá, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan. Bên cạnh đó, sâm Ngọc Linh cũng có tác dụng giúp người bệnh ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp…
Hiện các nhà khoa học của Học viện Quân y đã có thể sản xuất sâm Ngọc Linh với số lượng lớn trong vòng từ 10 – 20 ngày, giúp bảo tồn nguồn gen loài cây này và tránh được nguy cơ tuyệt chủng.