ThienNhien.Net – Tại cuộc gặp gỡ báo chí đầu Xuân Canh Dần 2010 ngày 25/02, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động cuộc thi báo chí viết về tài nguyên và môi trường (TNMT). Thông qua cuộc thi, ban tổ chức mong muốn sẽ có những đề xuất, giải pháp thiết thực, hiệu quả theo hướng quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường bền vững, đẩy mạnh kinh tế hóa ngành TNMT.
Thứ trưởng thường trực Bộ TNMT Nguyễn Văn Đức khẳng định, báo chí đã đóng góp rất lớn trong công tác tuyên truyền, phản ánh sâu rộng các sự kiện, hoạt động quản lý, xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật, mô hình, mẫu hình, cách làm hay, gương điển hình tiên tiến của ngành TNMT.
Đây cũng là dịp để ghi nhận, tuyên dương những tác giả, tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao; tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền về ngành TNMT.
Theo Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng Lê Văn Hợp, các tác phẩm báo chí dự thi sẽ phản ánh các nội dung trọng tâm: chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về quản lý TNMT; chủ trương về đẩy mạnh kinh tế hóa ngành; thành tựu và những đóng góp của ngành TNMT; những hoạt động, sự kiện tiêu biểu, nổi bật; những tấm gương điển hình của ngành, những sáng kiến, cải tiến công nghệ mới…
Các tác phẩm dự thi là các tác phẩm đã được đăng tải trên các báo, tạp chí, đăng phát trên đài phát thanh, đài truyền hình, báo mạng điện tử ở Trung ương và địa phương từ 01/03/2010 – 30/11/2010 và gửi về Báo Tài nguyên và Môi trường.
Tại cuộc gặp mặt, Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức cũng cho biết, năm 2010 sẽ là năm trọng tâm đẩy mạnh kinh tế hóa ngành TNMT, tăng cường công tác thanh tra.
Các vấn đề “nóng” như quản lý đất đai, môi trường sẽ được tập trung giải quyết. Cụ thể, năm 2010, ngành sẽ cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tất cả các loại đất trên phạm vi toàn quốc; báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội thông qua dự án Quy hoạch sử dụng đất cả nước đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 – 2015.
Năm 2010, Bộ TNMT cũng quyết tâm xử lý dứt điểm các “điểm nóng” gây ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông: sông Nhuệ – sông Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai; các khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng.