Thế giới đang vượt quá ngưỡng tự nhiên

ThienNhien.Net – Đã hơn 30 năm qua đi kể từ khi một cuốn sách gây xôn xao dư luận bằng dự báo rằng nếu thế giới tiếp tục tăng trưởng thiếu kiểm soát, hệ sinh thái Trái đất sẽ bị chôn vùi trong vòng một thế kỷ. Nghiên cứu mới đây của một nhóm các nhà khoa học quốc tế lại là một lời cảnh báo khẩn cấp hơn với những con số mà chúng ta không thể làm ngơ.


Từ lâu chúng ta đã mơ hồ nhận thức rằng Trái đất đang phải đương đầu với những vấn đề nghiêm trọng về môi trường tự nhiên. Cuốn Giới hạn tăng trưởng xuất bản năm 1972 cùng rất nhiều biểu đồ trong đó đã cho thế giới thấy rõ rằng: “Nếu những xu hướng hiện tại của dân số thế giới, công nghiệp hóa, ô nhiễm, sản xuất lương thực và suy thoái tài nguyên vẫn không thay đổi, thì khoảng một trăm năm nữa chúng ta sẽ chạm tới những giới hạn tăng trưởng của hành tinh này.”

Nhưng “một trăm năm” có vẻ là một khoảng thời gian khá dài và cuốn Giới hạn tăng trưởng cho dù là cuốn sách về môi trường bán chạy nhất mọi thời đại, dường như vẫn chưa đủ sức để đưa thế giới ra khỏi quỹ đạo của mình.

Nhưng bài phân tích mới đây đăng trên Tạp chí chuyên ngành Nature lại khác. Những con số lạnh lùng mà nhóm tác giả nổi tiếng, đứng đầu là nhà khoa học Stockholm Johan Rockstrom, đưa ra khiến chúng ta không thể thờ ơ. Với tựa đề A Safe Operating Space for Humanity (Tạm dịch: Một không gian sống an toàn cho loài người), bài báo đã đưa ra 9 giới hạn tự nhiên có liên quan mật thiết với nhau, và nếu vượt qua những giới hạn đó, chúng ta sẽ có nguy cơ phá hủy sự ổn định của Thế Holencene (còn gọi là Thế Toàn Tân) – thời kỳ 10.000 năm tồn tại nền văn minh loài người. 

Nhân loại đang vượt qua hầu hết giới hạn tự nhiên

Trong số 9 giới hạn đó, có hai ngưỡng mà chúng ta còn chưa hiểu biết đầy đủ để xác định xem liệu chúng ta đã đi quá xa hay chưa, đó là sự dung nạp hạt aerosol và các hạt vật chất trong bầu khí quyển cùng những tác động của ô nhiễm hóa chất.

Theo bài viết, điều đáng lo ngại là chúng ta đã vượt qua hầu hết các giới hạn còn lại. Loài người đang thải 9,5 triệu tấn phốt pho ra các đại dương mỗi năm, chủ yếu do dùng phân bón, nếu vượt qua con số 11 triệu tấn/năm, biến cố thiếu ô-xy trong các đại dương sẽ xảy ra trên diện rộng.

Nồng độ ozone trong khí quyển ở mức 290 đơn vị Dobson trước cuộc Cách mạng Công nghiệp nay chỉ còn 283. Nếu xuống dưới mức 276, loài người sẽ không tránh khỏi thảm họa. 

Điều tồi tệ nhất là chúng ta đã bước qua ba ranh giới nguy hiểm. Trước hết, đó là việc lấy đi lượng Ni tơ trong khí quyển nhiều gấp bốn lần mức độ an toàn, gây ra những hệ lụy như phát thải trở lại bầu khí quyển ngày càng nhiều các hợp chất NOx giữ nhiệt hay làm ô nhiễm nguồn nước trên quy mô lớn.

Tỷ lệ loài bị tuyệt chủng, nay đã lên tới con số 10loài/một triệu loài bị tuyệt chủng mỗi năm, gấp 10 lần mức cho phép với. Nhóm tác giả đã khẳng định, Trái đất không thể duy trì tỷ lệ tuyệt chủng hiện tại mà không bị suy giảm nghiêm trọng khả năng thích nghi của hệ sinh thái.

Quan trọng hơn cả, các tác giả đã đưa ra con số 350ppm cho giới hạn an toàn của nồng độ CO2 trong khí quyển. Đây là giới hạn đầu tiên nhận được sự quan tâm của loài người, khi nó được nhóm nghiên cứu của nhà khoa học NASA, James Hansen, đề cập tới lần đầu tiên vào năm 2007. Hiện nồng độ CO2 của Trái đất đang ở mức 390ppm và vẫn tiếp tục tăng 2 ppm mỗi năm, nên có thể coi đây là thử thách lớn nhất đối với loài người.

Đã đến lúc nhân loại không thể chần chừ

Với các hiện tượng thiên tai xảy ra gần đây, có thể thấy chúng ta đang đi ra khỏi trạng thái ổn định tồn tại hơn 10 thiên niên kỷ qua. 

Bài phân tích đã làm rõ mối quan hệ của những hiện tượng thiên nhiên này. Chẳng hạn carbon sẽ làm cho đại dương bị a-xít hóa ngay khi nhiệt độ tăng lên; nóng lên toàn cầu sẽ đẩy nhanh số loài tuyệt chủng do môi trường sống của chúng bị phá hủy.

Có lẽ, chỉ những người phi thực tế hoặc bàng quan nhất mới có thể nghĩ rằng chúng ta không bao giờ chạm tới “những giới hạn tăng trưởng”, rằng giới hạn tăng trưởng kia chỉ là chuyện xa vời và là việc của người khác chứ không phải của mình.

Nếu bạn là bệnh nhân có lượng cholesterol trong máu cao và được bác sĩ cảnh báo rằng nếu cứ tiếp tục chế độ ăn uống hiện tại, bạn sẽ bị đau tim. Có thể lời cảnh báo này chưa đủ để bạn không dừng lại mua một chiếc humburger pho mát kẹp thịt trước khi về nhà. Nhưng nếu bạn được bác sĩ cảnh báo rằng bạn đang ở trong trạng thái nguy hiểm, có thể bị đột quỵ bất cứ lúc nào, liệu bạn có thể không thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt của mình và dùng thuốc không?

Thế giới cũng vậy và nó đang cần một giải pháp triệt để, cấp thiết và hoàn hảo. Nhưng đến nay giải pháp hoàn hảo vẫn còn là một khoảng trống. Dường như loài người đang cố gắng cô lập vị trí thương lượng của giới tự nhiên, một vị trí mà chúng ta thực sự nên tôn trọng.

Nếu hành tinh này chỉ được phép chấp nhận con số 350ppm, thì việc loài người phải tìm ra những lối đi không dính dáng tới carbon là điều không phải bàn cãi. Bởi một lẽ rất đơn giản là hành tinh này không thể bỗng dưng lại nhún nhường: “Thôi thì 450ppm vậy!”

Quy luật tự nhiên không thể sửa đổi giống như luật lệ của con người!

Giờ đây, khi đã được nhận thức được sự tồn tại của những giới hạn này, việc lưu tâm tới chúng trở thành nhiệm vụ trọng tâm của loài người. Như người có lượng cholesterol cao cần cân nhắc chế độ ăn, tập luyện, thuốc uống của mình, đây cũng chính là lúc chúng ta không được phép làm ngơ.

Nếu chúng ta chọn cách làm ngơ những cảnh báo này, chúng ta sẽ không còn là đứa trẻ 14 tuổi phì phèo điếu thuốc chỉ vì sĩ diện với bạn bè nữa, mà chúng ta sẽ là những bệnh nhân ung thư phổi vẫn đang hút thuốc lá trong khoa chăm sóc sức khỏe đặc biệt.

Không thể phủ nhận rằng thay đổi cách sống, cũng như cắt cơn nghiện là một việc khó khăn. Hướng hệ thống kinh tế và những mục tiêu chính trị khỏi giãn nở không ngừng vốn là mục tiêu trong hơn 20 năm nay cũng là điều chẳng dễ dàng thực hiện. Nhưng có điều không thể làm ngơ là giờ đây chúng ta đã biết – nhờ sự chính xác lạnh lùng của các con số – rằng còn có điều khó khăn hơn mức tưởng tượng đang diễn ra trong cuộc sống của chúng ta!

Bill McKibben, tác giả bài viết đồng thời là tác giả cuốn sách The End of Nature (Kết cục của Tự nhiên) xuất bản năm 1989, được xem là cuốn sách đầu tiên về nóng lên toàn cầu dành cho độc giả phổ thông. Ông là người sáng lập ra “350.org”, một chiến dịch nhằm đưa mục tiêu giảm lượng CO2 trong khí quyển xuống 350ppm ra toàn cầu.