ThienNhien.Net – Ngày 22/2 vừa qua, tại Hải Phòng hơn 10.000 cây trang, đước, bần đã được trồng ở 14 xã, phường có bãi bồi ven biển, góp phần đưa diện tích chắn sóng của địa phương lên hơn 5000 ha.
Việc làm này đã góp phần cụ thể hoá chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu mà tỉnh Hải Phòng đang thực hiện, chủ động ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại khi nước biển dâng cao.
Nhiều năm trước đây, hàng ngàn hecta rừng ngập mặn ở Hải Phòng đã bị chặt phá tràn lan do việc quản lý lỏng lẻo và do hạn chế về mặt nhận thức của người dân, cán bộ. Điều đó đã ít nhiều dẫn tới những hệ luỵ về bão lũ, thuỷ triều dâng sau này.
Theo Công an nhân dân số 1674 ra ngày 25/02/2010, hiện diện tích chắn sóng của Hải Phòng đã đạt hơn 5000 ha, trong đó có hơn 400 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Nhưng do Hải Phòng có diện tích đường bờ biển dài 125km, hơn nữa thành phố lại nằm trong khu vực được dự báo chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, trong đó có hiện tượng nước biển dâng cao nên việc trồng rừng chắn sóng là một nhiệm vụ quan trọng nhằm gia cố và nâng cấp đê biển.
Được biết, riêng trong năm 2010, thành phố sẽ tiếp tục tục trồng 200 ha rừng chắn sóng. Ban Điều hành Dự án trồng rừng ngập mặn, phòng ngừa thảm hoạ thành phố cũng đề ra kế hoạch trồng từ 6000 đến 8000 cây Bần ở tuyến đê biển 1 quận Đồ Sơn, 6000 đến 8000 cây tre Bát Độ tại các huyện Thuỷ Nguyên, An Lão; bên cạnh đó triển khai thêm nhiều lớp tập huấn phòng ngừa thảm hoạ cho các cán bộ chủ chốt các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng và Cát Hải.
Việc trồng rừng ngập mặn đã chứng tỏ những chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp lãnh đạo và người dân nơi đây đối với việc trồng rừng chắn sóng để chủ động ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai.