Thực thi REDD và tác động đối với người bản địa

ThienNhien.Net – REDD là tên viết tắt cho cụm từ “Reducing Emission from Deforestation and Forest Degradation in Developing countries”, có nghĩa là giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển. Cơ chế này đã được đề xuất trong thời gian gần đây, trong bối cảnh suy thoái rừng ở các nước đang phát triển đóng góp một tỷ lệ khá lớn trong tổng lượng phát thải CO2 trên toàn cầu. REDD đang được triển khai thí điểm tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, với kỳ vọng sẽ góp phần hiệu quả hạn chế sự gia tăng biến đổi khí hậu.

 

Theo cơ chế của REDD, các nước phát triển có trách nhiệm chi trả tài chính cho các nước đang phát triển trong việc bảo vệ rừng tự nhiên. Bù lại, các nước nhận được khoản chi trả phải thực hiện các chương trình, chính sách nhằm ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng. Các nứơc này có thể áp dụng đồng thời nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau như tăng cường thực thi luật pháp, thay đổi thể chế, pháp luật để đối phó với nạn phá rừng, cải thiện hệ thống quản, thực hiện các chương trình quản lý, bảo vệ rừng….

 

Hai cơ chế chi trả tài chính đã được đề xuất nhằm thực thi REDD tại các nước đang phát triển. Cơ chế thứ nhất được đề xuất dựa theo nguyên tắc “thị trường các bon” trong đó các nước phát triển chi trả tài chính cho các nước đang phát triển thông qua việc mua bán “hạn ngạch các bon”.

 

Cơ chế chi trả tài chính thứ hai là gây dựng quỹ để thực hiện các chương trình bảo vệ rừng. Tuy chưa đạt được thỏa thuận chính thức giữa các bên tham gia, nhưng rất có thể cả hai cơ chế này đều sẽ được sử dụng để thực thi REDD tại các nước đang phát triển.

 

Ảnh hưởng tiêu cực của REDD đối với người bản địa

 

REDD đi vào thực thi sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bản địa. Điều này có thể được nhận thấy khá rõ ràng khi mục tiêu của REDD là các khu rừng tự nhiên nơi các cộng đồng dân cư bản địa đang sinh sống.

 

Để nhận được chi trả tài chính cho REDD, các nước đang phát triển buộc phải tăng cường các quy định ngặt nghèo để bảo vệ rừng, tăng diện tích khu bảo tồn. Cộng đồng dân cư bản địa có thể buộc phải di dời khỏi khu bảo tồn và họ không còn cơ hội phụ thuộc vào rừng về nguồn thực phẩm, dược liệu và nước sạch.

 

Sự di này dẫn đến nhiều hệ lụy, chẳng hạn như mai một bản sắc văn hóa kiến thức bản địa. Bên cạnh đó, tiền chi trả, đền bù từ các dự án REDD nếu không được quản lý tốt có thể trở thành nguyên nhân gây bất bình đẳng và xung đột ngay trong cộng đồng dân cư bản địa.

 

Người dân bản địa có thể được hưởng lợi từ REDD như thế nào?

 

Mặc dù một số ý kiến cho rằng người bản địa sẽ bị thiệt thòi trong quá trình thực thi REDD. Song, nhiều chuyên gia đã lập luận rằng nếu chương trình thực hiện được thiết kế tốt thì thực tế sẽ ngược lại, cộng đồng bản địa có thể nhận được nhiều lợi ích từ REDD.

 

Một phương pháp tiếp cận tốt là tôn trọng quyền của người bản địa, quyền lựa chọn về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, bản sắc dân tộc…. và tăng cường sự tham gia của người bản địa trong việc thực thi REDD.

 

Thay vì bị di dời khỏi các khu  bảo tồn, cộng đồng dân cư bản địa có thể đảm nhiệm vai trò bảo vệ rừng theo thỏa thuận với chính phủ. Thỏa thuận này tương tự như việc chi trả dịch vụ môi trường (PES). Khi đó, người dân bản địa sẽ được hưởng có được sinh kế bền vững, đồng thời lại bảo tồn bản sắc văn hóa.

 

Triển vọng REDD ở Việt Nam

 

Việt Nam có 54 dân tộc khác nhau, cộng đồng dân tộc thiểu số thường sinh sống ở vùng rừng, núi. Vì vậy, vai trò của người bản địa trong việc việc bảo vệ rừng  là rất quan trọng.

Nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng cư dân bản địa vào tiến trình thực thi REDD, trước mắt Việt Nam cần có những chương trình giáo dục nhằm tăng cường hiểu biết của người dân tộc về biến đổi khí hậu, REDD cũng như vai trò của họ trong việc bảo vệ tài nguyên rừng. Khi có những hiểu biết căn bản về REDD, cộng đồng dân cư bản địa có thể sẵn sàng tham gia đàm phán và đi đến những thỏa thuận về bảo vệ rừng và thực thi REDD.