ThienNhien.Net – Năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành cùng các địa phương có điều kiện tập trung phát triển các cây công nghiệp, hàng hóa xuất khẩu và rau, quả an toàn chất lượng cao.
Theo Bộ NN&PTNT, giá thị trường các cây công nghiệp hàng hóa xuất khẩu đang có xu hướng tăng trở lại nên cần thâm canh, tăng năng suất, chất lượng nhằm đạt sản lượng tối đa. Riêng đối với cây cao su, tiếp tục trồng mới 20.000 ha ở những nơi có điều kiện để nâng tổng diện tích lên 670.000 ha, sản lượng mủ đạt 765.000 tấn; mở rộng công suất chế biến khoảng 220.000 tấn.
Với các tỉnh miền núi phía Bắc, Cục Trồng trọt đã xác định các giải pháp phù hợp để phát triển cao su đảm bảo hiệu quả và bền vững, tránh phát triển theo phong trào. Hiện tại, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã thành lập các công ty thành viên tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu làm hạt nhân phát triển cao su trên địa bàn.
Đối với cây công nghiệp lâu năm, Bộ yêu cầu ổn định 300.000 ha mía, thâm canh với bộ giống phù hợp, lượng đường cao và trồng rải vụ đạt sản lượng 19,5 triệu tấn; tiếp tục mở rộng và tăng năng suất với lạc và đậu tương để từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và chế biến thức ăn gia súc.
Tại các địa phương có điều kiện phát triển rau và các loại cây ăn quả, hướng chính vẫn là đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao để nâng giá trị và hiệu quả sản phẩm, chú trọng phát triển sản xuất rau an toàn. Dự kiến, diện tích rau, đậu các loại đạt khoảng 925.000 ha, tăng khoảng 5.000 ha so với năm trước.
Cục Trồng trọt yêu cầu các địa phương chú trọng nâng cao giá trị các loại quả, phổ biến ứng dụng kỹ thuật xử lý ra quả trái vụ (dứa, bưởi, cam, chôm chôm…) nhằm rải vụ thu hoạch phục vụ tiêu thụ quả tươi và cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Các địa phương triển khai áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, trước mắt đối với một số cây ăn quả đặc sản; tổ chức cho nông dân liên kết sản xuất để dễ chuyển giao kỹ thuật công nghệ, đáp ứng đủ về khối lượng và quản lý chất lượng đồng đều…
Cục Trồng trọt cũng kiến nghị cần sớm xúc tiến việc ký kết các Hiệp định kiểm dịch thực vật với các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản để trái cây Việt Nam có thể thâm nhập các thị trường này.