Kho “vàng xanh” ở Lâm Đồng

ThienNhien.Net – Được coi là một trong những khu vực có giá trị sinh học cao ở nước ta, rừng Lâm Đồng không chỉ đa dạng các loài động – thực vật quý hiếm, có tên trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới, mà còn có giá trị vô cùng đặc biệt nhờ những cổ thực vật hiện hữu được ví như những "hoá thạch sống". Đó là những loài thông năm lá, thông hai lá dẹt, sồi ba cạnh, thuỷ tùng…


Những loài “hoá thạch sống” này theo nhiều nghiên cứu cho biết được sinh cùng thời với khủng long và đã bị tuyệt diệt, tuy nhiên chúng vẫn còn hiện hữu với số lượng rất ít ở một vài quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, một số loài chỉ mới phát hiện tại Lâm Đồng hoặc tại một vài vùng của Việt Nam.

Trong số đó, sồi ba cạnh là loài cây được giới khoa học trong nước và thế giới đặc biệt quan tâm thời gian qua. Điều này xuất phát từ việc phát hiện một quần thể “hoá thạch sống” sồi ba cạnh (Trigonobalanus verticillata Forman) tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà ở Lâm Đồng, vào năm 2007. Như vậy, sau Indonesia và Malaysia, đây là quần thể sồi ba cạnh thứ ba còn sót lại trên thế giới; từ đó mở ra thông tin giúp các nhà khoa học tìm mối liên kết mang tính khu vực giữa ba nước về sự phân bố của loài thực vật tưởng đã bị tuyệt diệt cùng với loài khủng long.

Một loài cổ thực vật khác của Tây Nguyên và Việt Nam được một số cán bộ khoa học ở Đại học Đà Lạt, Lâm Đồng nhân giống thành công trong thời gian gần đây là thuỷ tùng (Glyptostrobus pensillis) – một “hoá thạch sống” của ngành hạt trần, xuất hiện cách nay khoảng 10 triệu năm.

Theo xếp hạng của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thì đây là loài cây bị đe dọa ở mức nguy cấp và hiện đang bị săn lùng trên khắp thế giới, do từ vỏ và lá thuỷ tùng có thể chiết xuất một số chất để điều chế dược phẩm chữa bệnh, đặc biệt là ung thư.

Bên cạnh đó, hai loài thực vật cổ là thông hai lá dẹt và thông năm lá hiện có mặt trên vùng rừng Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng, cũng được xem là sinh cùng thời với khủng long. Chúng được các nhà khoa học xếp ở loài hiếm, mức độ có thể bị đe dọa tuyệt chủng do săn lùng quá mức và do môi trường sống là rừng bị thu hẹp.

Với những loài cổ thực vật nêu trên, có thể coi Lâm Đồng như một “kho vàng xanh” về những “hóa thạch sống”, không chỉ của Việt Nam mà còn của cả thế giới. Tuy nhiên, những tài sản vô giá ấy đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ, bởi hầu hết những “sứ giả của thời tiền sử” này đều được xếp vào mức độ có thể bị đe doạ tuyệt chủng. Do đó, rất cần những công trình nghiên cứu khoa học để bảo tồn, nhân giống các loài thực vật quý hiếm trên.