ThienNhien.Net – Thời gian qua, UBND huyện Bình Giang (Hải Dương) đã thực hiện thành công đề tài “Xây dựng mô hình xử lý rơm rạ làm phân ủ hữu cơ vi sinh”, góp phần phục vụ sản xuất lúa gạo an toàn và giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Với diện tích gieo cấy 12.600 ha lúa/năm của huyện Bình Giang, nếu tính trung bình khoảng 6 tấn rơm rạ/ha lúa, thì lượng rơm rạ sau khi thu hoạch là rất lớn. Do vậy, huyện Bình Giang đã tính đến việc dùng men vi sinh tạo ra nguồn phân ủ, giảm được chi phí lớn đầu vào cho nông dân và cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Điều quan trọng là sẽ tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn cho sức khỏe cộng đồng, hướng tới thương hiệu gạo an toàn chất lượng của Bình Giang.
Để thực hiện, huyện Bình Giang đã tiến hành xây dựng mô hình liên kết các hộ gia đình, thực hiện mô hình xử lý rơm rạ làm phân ủ bằng men vi sinh Bio-Plan của Công ty TNHH NAB và men vi sinh Fitohoocmon của Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học (Hà Nội), triển khai tại 2 Hợp tác xã nông nghiệp Nhân Quyền (xã Nhân Quyền) và Hợp tác xã nông nghiệp Nhữ Thị (xã Thái Hòa). Quy mô tổng số rơm rạ xử lý là 280 tấn, mỗi Hợp tác xã xử lý 140 tấn rạ.
Trước khi triển khai đề tài, huyện đã tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sử dụng men vi sinh (thành phần gồm vi sinh vật phân giải hữu cơ, vi sinh vật tổng hợp kháng sinh, Enzym, các chất điều hòa sinh trưởng, nguyên tố khoáng, vi lượng…), để ủ rơm rạ cho 410 hộ nông dân tham gia mô hình liên gia và các hộ nông dân tự do tổ chức ủ tại gia đình. Theo đó, rơm rạ sau khi thu hoạch được các hộ nông dân tập kết vào một địa điểm thuận lợi cho công việc ủ, hoặc gom về tại các gia đình. Trước khi đưa rơm rạ vào ủ, phải tiến hành dùng máy vò đập, có gia cố thêm phần băm chặt để tiến hành đập rơm rạ cho nát và nhỏ. Sau đó, tiến hành các thao tác đánh đống và ủ.
Theo ông Nguyễn Phương Vụ, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bình Giang (Hải Dương), chủ nhiệm Đề tài, để dùng men vi sinh xử lý rơm rạ, người nông dân phải tưới để rơm rạ đạt độ ẩm 80-90%, sau đó rải rơm, rạ theo từng lớp, mỗi lớp dầy khoảng 30-40 cm và tưới men vi sinh đều khắp mặt đống rơm rạ. Đồng thời, bổ sung thêm 0,1 kg phân đạm Urê + 1 kg super lân trên 1 tấn rơm rạ. Cứ như vậy cho đến khi đạt độ cao mỗi đống khoảng 1,5 – 1,6 m. Tiếp đó, tiến hành cho phủ nilông để giữ độ ẩm và nhiệt. Sau 10 ngày sẽ kiểm tra và tiến hành đảo trộn, để cho rơm rạ vụn thêm do tác động cơ học và các vi sinh vật phân bố đều hơn.
Ngoài ra, nếu phát hiện chỗ nào chưa bảo đảm độ ẩm thì tưới nước bổ sung thêm. Đến khi cầm nắm rơm rạ vắt đều thấy nước rỉ ra theo kẽ tay là được… Sau khoảng 50 ngày rơm rạ phân huỷ thành phân ủ hữu cơ, được đem bón lót cho cây trồng.
Kết quả, sau hơn 60 ngày triển khai mô hình tại hai Hợp tác xã Nhân Quyền và Nhữ Thị (Bình Giang), thành phần thân xương trong rơm rạ đa số đã được vi sinh vật phân giải thành một dạng phân hoai mục hữu cơ rất tốt, sử dụng được cho tất cả các loại cây trồng, như: rau màu, cây ăn quả và sử dụng sản xuất lúa gạo an toàn, chất lượng. Lượng rơm rạ này đã được đem bón lót gieo cấy vụ lúa chiêm Xuân 2010 ở Bình Giang, cho kết quả tốt.
Việc dùng men vi sinh xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ phục vụ cho sản xuất lúa gạo an toàn ở huyện Bình Giang đã tận dụng lượng rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, dùng với chế phẩm sinh học tạo ra nguồn phân ủ bón lót cho cây trồng, cải tạo đất, đảm bảo năng suất cây trồng, tạo ra sản phẩm lúa an toàn, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.