Câu chuyện Langkawi

ThienNhien.Net – Với những bãi biển lam ngọc và bờ cát trắng muốt cùng hệ động thực vật phong phú, du lịch đã đóng góp tới 80% vào nguồn thu kinh tế của quần đảo Langkawi, nơi quy tụ vẻ đẹp của 99 hòn đảo Malaysia. Tuy nhiên, du lịch đang có vẻ dần trở thành một “con dao hai lưỡi” ở Langkawi, khi quá trình phát triển kinh tế, và nạn chặt phá rừng nhiệt đới đang đe dọa vẻ tự nhiên vốn thu hút du khách tới nơi này.


Điều khiến quần đảo Langkawi nổi bật so với các điểm du lịch khác trong khu vực – Bali, Phuket và Penang, nơi mà cuộc sống về đêm có phần hào nhoáng hơn, những bãi biển đẹp hơn và dịch vụ mua sắm phong phú hơn – là vẻ đẹp hoang dã và sự đa dạng sinh học của quần đảo.

Những cánh rừng nhiệt đới phủ rêu, những đầm lầy ngập mặn, núi đá vôi cây cối rậm rạp, rừng ven biển, đất ngập mặn, công viên san hô, 220 loài chim, sinh vật biển và động vật hoang dã phong phú là những nét đặc trưng khiến du lịch Langkawi thu hút rất nhiều du khách.

Tuy nhiên, các hoạt động khai thác gỗ ồ ạt trong những năm qua đã lấy đi vẻ đẹp nguyên sơ vốn có của quần đảo. Với hơn một nửa di sản thiên nhiên quý giá đã bị mất đi, “viên ngọc quý của bang Kedah” đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Thiên nhiên giàu có đang bị tàn phá

Langkawi có 350 loài bướm với nhiều loài không có ở bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh; và 220 loài chim, trong đó có niệc mỏ vằn, chim cắt lông sặc sỡ… Tất cả đều đang bị đe dọa do mất môi trường sống ở Langkawi, với 49% diện tích rừng đã bị tàn phá, phần còn lại bị phân tán nhỏ.

Quần đảo Langkawi cũng là nơi cư trú của một nửa trong số 724 loài động vật được biết đến đã tuyệt chủng trong vòng 400 năm qua và 90% loài chim tuyệt chủng. Với môi trường sống bị thu hẹp, các loài sinh vật đặc hữu của đảo khó có thể chống chọi lại bệnh tật, hỏa hoạn, thời tiết xấu và các biến động khác trong quần thể loài.

Việc lấn chiếm bất hợp pháp các khu vực hoang dã để xây dựng đường xá, khách sạn và các hoạt động phát triển khác đang lấy đi môi trường sống của động vật hoang dã.

Khi rừng nhiệt đới bị thu hẹp, đất mất khả năng giữ nước khi có mưa lớn, khiến lũ quét phổ biến hơn, tàn phá hoa màu, đồng cỏ.

Nông nghiệp thiếu bền vững cũng lại ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học khi người dân đốt đuốc phá thêm rừng, gây ra cháy rừng vào mùa khô.

Môi trường sống ở Langkawi đang bị thu hẹp và phân mảnh chưa từng có. Động vật không thể di chuyển một cách an toàn từ nơi này tới nơi khác trong khu vực sinh sống của chúng để kiếm ăn, kết đôi hoặc xác lập lãnh địa. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc duy trì giống nòi của chúng, làm giảm nguồn gen của loài, khiến chúng bị tuyệt chủng.

Anh hùng rừng xanh

Trước thực trạng trên, Irshad Mobarak, một người yêu môi trường đã quyết tâm làm điều gì đó để thay đổi tình hình.

Năm 1994, anh thành lập JungleWalla, một công ty chuyên cung cấp các tour du lịch khám phá thiên nhiên, thế giới hoang dã và quan sát chim trời. Anh còn dành thời gian giám sát nhiều dự án bảo tồn do chính anh khởi xướng.

Irshad nhận thức rất rõ rằng phá hủy toàn bộ các hệ sinh thái để dọn đường cho phát triển hoặc lấy đất nông nghiệp là một lối đi thiển cận. Năm 2007 Irshad từng đoạt giải thưởng “Amazing Malaysians” vì những cống hiến cho môi trường của mình. Hiện nay anh đang nỗ lực kêu gọi mọi người bảo vệ các khu rừng nhiệt đới thông qua hàng loạt các buổi nói chuyện với các khách sạn và nhân viên ngành khách sạn, những nhân tố chủ chốt trong ngành công nghiệp du lịch. Mục đích của anh là thu thập 4.000 chữ ký vào một bản kiến nghị kêu gọi chính quyền Langkawi hành động nhiều hơn để bảo vệ di sản thiên nhiên của các hòn đảo.

 
Irshad hiểu rõ rằng, hơn ai hết, chính những người dân địa phương sẽ là những người mất mát nhiều nhất khi thiên nhiên bị phá hủy. (Ảnh: Ecologist)

Anh hiểu rõ rằng, hơn ai hết, chính những người dân địa phương sẽ là những người mất mát nhiều nhất khi thiên nhiên bị phá hủy. Điều đó không chỉ de dọa công ăn việc làm của họ trong ngành công nghiệp du lịch, mà còn tác động đến các ngành công nghiệp nuôi trồng và đánh bắt cá và cuối cùng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của họ.

Irshad đã triển khai các chương trình giáo dục nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên, đảm bảo an ninh nguồn nước cho quần đảo, giúp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, lũ quét và ô nhiễm nước ở các sông và biển, vì lợi ích của ngành công nghiệp du lịch sinh thái của đảo.

Tuy nhiên, công việc của Irshad gặp không ít khó khăn, bởi công tác bảo vệ môi trường dường như chưa được chú ý nhiều ở Langkawi, trong khi chính quyền có vẻ còn nghi ngại phương pháp của Irshad.

Trên cấp độ quốc gia, Malaysia có những vấn đề nghiêm trọng trong khai thác gỗ, thậm chí, ở Langkawi, nhiều hành vi lấn chiếm rừng nhiệt đới còn được sự hậu thuẫn gián tiếp của các chính trị gia địa phương.

Anh đã đưa ra rất nhiều đề xuất khai thác lợi ích từ rừng “mà không cần tới lưỡi cưa” như nuôi hươu nai, trồng nấm, nuôi ong, giữ rừng để phát triển kinh tế thay vì canh tác độc canh cafe, cao su…

Irshad cho biết nhận thức của người dân ở Langkawi đang được nâng cao, họ ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học và anh cảm thấy lạc quan về tương lai.