2020: Diệt trừ 50% sinh vật ngoại lai nguy hiểm

ThienNhien.Net – Sự phát triển và lan rộng của sinh vật ngoại lai đang trở thành mối nguy lớn gây tổn thất đa dạng sinh học, thiệt hại về kinh tế và đe dọa môi trường, vì vậy, việc ngăn ngừa và kiểm soát các loài này ngày càng cấp thiết. Nhằm đánh giá cụ thể diễn biến sinh vật ngoại lai xâm lấn; xây dựng nhiệm vụ, giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện để hạn chế sự lan rộng và phát triển các loài xâm lấn…, Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra “Đề án ngăn ngừa và kiểm soát các sinh vật ngoại lai xâm lấn ở Việt Nam từ nay đến năm 2020”. Theo đó, từ nay đến năm 2020, chúng ta sẽ kiểm soát hiệu quả các loài sinh vật ngoại lai xâm lấn, thu hẹp và giảm thiểu tối đa số lượng các loài này, đặc biệt, phấn đấu diệt trừ 50% loài sinh vật ngoại lai xâm lấn nguy hiểm hiện có ở Việt Nam.


Để thực hiện được mục tiêu đó, trước tiên, chúng ta cần điều tra và lập danh mục các loài sinh vật ngoại lai xâm lấn nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam cũng như các loài sinh vật bản địa bị tác động do sinh vật ngoại lai xâm lấn; xác định mức độ bị tác động và triển khai áp dụng các biện pháp hồi phục, đồng thời, nghiên cứu và áp dụng các giải pháp tổng hợp để kiểm soát, quản lý và diệt trừ các sinh vật ngoại lai xâm lấn hiện đang tồn tại; tăng cường áp dụng các giải pháp diệt trừ, tiến đến loại bỏ các loài sinh vật ngoại lai xâm lấn nguy hiểm…

Theo thống kê sơ bộ của Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học, hiện cả nước vẫn còn khoảng 92 loài thực vật có nguồn gốc ngoại lai thuộc 31 họ khác nhau, trong đó có những họ lớn gồm nhiều loài như họ thầu dầu (4 loài), họ đậu (6 loài), họ cúc (7 loài), họ cói (8 loài)… Phần lớn các loài cây này là cỏ dại, chỉ một phần nhỏ là cây trồng lấy gỗ như keo, bạch đàn, phi lao, điều, cao su, cọ dầu. Tuy nhiên, hiện chúng ta mới chỉ có thông tin về một số loài sinh vật lạ xâm lấn gây ra hậu quả nặng nề nhất, được nghiên cứu nhiều nhất (các loài này đều có trong danh sách “100 loài sinh vật lạ xâm lấn nguy hiểm nhất trên thế giới”), còn rất nhiều loài chưa được nghiên cứu.


Các sinh vật ngoại lai có nguồn gốc bên ngoài Việt Nam thường gặp phổ biến trong nuôi trồng thuỷ sản, nông nghiệp, lâm nghiệp và làm vườn. Chúng thường du nhập theo các yếu tố tự nhiên như theo dòng nước, theo gió bão, theo sinh vật di chuyển, di cư.
Các yếu tố này đã đem các loài sinh vật từ nơi này đến nơi khác, rồi các loài đó thích nghi được với điều kiện mới và trở thành sinh vật ngoại lai hoặc sinh vật ngoại lai xâm lấn hoặc lây lan các dịch bệnh.

Theo Công ước Đa dạng sinh học, sinh vật ngoại lai xâm lấn là loài sinh vật có thể thích nghi, phát triển, tăng nhanh số lượng cá thể trong hệ sinh thái hoặc nơi sống mới và là nguyên nhân gây ra sự thay đổi về cấu trúc quần xã, đe dọa đến đa dạng sinh học bản địa, gây ảnh hưởng tới kinh tế, môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, cũng có nhiều loài sinh vật ngoại lai không bị coi là xâm lấn, trái lại chúng thích nghi và tồn tại hòa bình cùng với các loài bản địa. Ở nước ta, một số cây nhập nội được coi là nguồn cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp như cao su, điều, bạch đàn, keo… Một số loài sinh vật ngoại lai xâm hại tiêu biểu ở Việt Nam như cây mai dương (Mimosa pigra), ốc bươu vàng, ốc sên, lục bình (bèo Nhật Bản, bèo tây), chuột hải ly, rùa tai đỏ, bọ ăn lá hại dừa, sâu róm thông.

Ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm lấn ở Việt Nam sẽ giúp bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ sức khỏe, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh lương thực và an toàn xã hộiâ