Con người, động vật và những bước đi đầu đời

ThienNhien.Net – Nhiều loài động vật có thể lò dò tập đi chỉ sau vài giờ chào đời, nhưng con người phải mất đến một năm mới bắt đầu những bước đi chập chững. Vậy điều gì làm nên sự khác biệt này? Theo một nghiên cứu của các nhà thần kinh học thì thời gian để con người và những loài động vật có vú bắt đầu đi được liên quan chặt chẽ đến kích thước bộ não.


Martin Garwicz
, nhà thần kinh học thuộc Đại học Lund, Thụy Điển cho biết thời gian để loài chồn sương và chuột học được các kĩ năng vận động như bò và đi là gần giống nhau, có khác chút là ở chuột thường diễn ra nhanh hơn. Điều này khiến ông và nhóm cộng sự của mình nảy ra giả thuyết liệu có thể tìm thấy một kết quả tương tự ở các loài động vật có vú khác?  

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành so sánh thời gian giữa lúc thụ thai và thời gian biết đi của 24 loài động vật có vú và quan sát chúng trong mối tương quan với một loạt các thông số như: thời kì thai nghén, kích thước cơ thể trưởng thành và kích thước não trưởng thành. Kết quả (đăng trên Tạp chí Hàn Lâm Khoa học Mỹ (PNAS)) cho thấy kích thước não trưởng thành chiếm đến 94% sự khác biệt giữa các loài, từ lúc thụ thai đến lúc biết đi. Nói cách khác, khối lượng não tạo ra phần lớn sự khác biệt trong thời gian biết đi giữa các loài.

Đối với các loài động vật có vú có bộ não lớn hơn (như con người) sẽ có xu hướng tập đi lâu hơn. Đặc biệt, việc nghiên cứu mô hình về mối quan hệ giữa khối lượng não trưởng thành và thời gian để đi được 23 loài khác có thể giúp chúng ta dự đoán gần như chính xác thời gian con người bắt đầu biết đi. Nhà nghiên cứu Garwicz cho biết ban đầu nhóm vẫn cho rằng trường hợp con người là ngoại lệ (tức không có mối liên quan nào đến các loài động vật có vú trong việc tập đi). Nhưng nghiên cứu đã cho thấy một kết quả không như dự đoán.

Hai nhân tố khác bao gồm thời kì thai nghénkhối lượng não lúc mới sinh cũng có mối liên hệ trực tiếp đến thời gian tập đi của nhiều loài động vật, trừ con người.

Theo nhà thần kinh học Barbara Finlayại học Cornell), kết quả nghiên cứu cho thấy tồn tại một “đồng hồ” phát triển ở các loài động vật có vú. Bà cũng phát hiện ra rằng, nhiều động vật có vú có lịch trình phát triển não giống nhau trước khi sinh, tuy nhiên, ở một mốc nào đó trong thời gian sơ sinh (như lúc bắt đầu đi được), chúng lại có những đặc tính riêng. Và sẽ rất thú vị nếu chúng ta có thể dõi theo để xem chiếc “đồng hồ” đó còn chạy đúng giờ đối với các sự kiện sau này trong vòng đời của chúng hay không.