Năm 2010: Đa dạng sinh học của Việt Nam có hồi phục?

ThienNhien.Net – Liên Hiệp Quốc lấy năm 2010 là năm Quốc tế Đa dạng sinh học và cảnh báo về sự biến mất của nhiều loài sinh vật trên thế giới. Đây là một “nhắc nhở” đối với Chính phủ và nhân dân các nước, đặc biệt là các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc đã ký vào Công ước Đa dạng sinh học (năm 1992), rằng cần phải tăng cường công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động thực vật nguy cấp quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Cũng có thể coi rằng, đây là dịp để chúng ta tranh thủ sự ủng hộ tích cực của Quốc tế và sự hợp tác chặt chẽ của các nước trong khối ASEAN về bảo tồn đa dạng sinh học.

Việt Nam là đất nước có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao được xếp thứ 16 trên thế giới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, nhất là hệ sinh thái rừng nhiệt đới – hệ sinh thái có ĐDSH cao nhất, bị suy thoái trầm trọng trong thời gian qua. Gặp gỡ một số nhà khoa học về đa dạng sinh học vào dịp đầu năm, ThienNhien.Net đã nhận được một số nhận định và chia sẻ về những điều cần làm để “cứu” ĐDSH Việt Nam trong những năm tới.

Theo ông Vũ Văn Dũng, một chuyên gia từng gắn bó với Viện Điều tra quy hoạch rừng, đặc điểm đa dạng về địa hình, kiểu đất, cảnh quan và khí hậu ở là cơ sở thuận lợi để tạo nên ĐDSH vô cùng phong phú và độc đáo ở Việt Nam. Chỉ riêng trong thập niên 90 của thế kỷ trước, qua công tác điều tra cơ bản đã phát hiện 5 loài thú lớn và hàng chục loài phong lan mới, đặc hữu. Điều đó đã gây ngạc nhiên cho các nhà khoa học thế giới về tính ĐDSH của Việt Nam.

 
Ông Vũ Văn Dũng, Viện Điều tra quy hoạch rừng.

Ông nhấn mạnh rằng, các nguyên nhân như chuyển đổi mục đích sử dụng đất thiếu khoa học, khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, sức ép của sự gia tăng dân số, sự du nhập các giống mới và các sinh vật ngoại lai, ô nhiễm môi trường và khí hậu …đã làm nhiều hệ sinh thái, trong đó rõ rệt nhất là rừng, hệ sinh thái giàu đa dạng sinh học nhất của nước ta đã bị suy giảm, đặc biệt rừng nguyên sinh, nơi tập trung nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam đã và đang bị suy giảm cả về diện tích và chất lượng. Kéo theo sự suy giảm của rừng là suy giảm về thành phần và số lượng các loài động thực vật.

Cùng quan điểm trên, GS.Võ Quý, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES), Đại học quốc gia Hà Nội cho biết, những thiệt hại vô cùng nặng nề mà cả xã hội phải gánh chịu, nhất là những người nghèo, trong mấy năm qua do bão lụt, hạn hán, sụt lở đất, phần quan trọng là do nguồn tài nguyên đa dạng sinh học bị suy thoái, do phá rừng một cách thiếu ý thức. Đây là những bài học hết sức đắt giá mà chúng ta phải suy ngẫm một cách nghiêm túc về cách đối xử tàn bạo với thiên nhiên trong những năm qua để có biện pháp sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quý giá này.

Đế sử dụng được một cách lâu dài nguồn tài nguyên ĐDSH quý giá, đồng thời để đối phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu, trước hết chúng ra chúng ta phải bảo toàn và phát triển nguồn tài nguyên này. Chúng ta cần nâng cao hiểu biết cho mọi tầng lớp nhân dân, kể cả các cán bộ lãnh đạo các cấp về giá trị của ĐDSH với cuộc sống và phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường là công việc hết sức cấp bách. Củng cố việc quản lý các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên vì đây là những vùng thiên nhiên còn tương đối nguyên vẹn mà chúng ta đã giữ lại được. Sớm tìm cách làm giảm tốc độ mất mát ĐDSH lúc còn có thể cứu vãn được. Bảo tồn những vùng hoang dã và sử dụng các vùng này một cách khôn ngoan bởi các vùng hoang dã chứa đựng nhiều tiềm năng mà chúng ta chưa thể biết hết.

 
GS.Võ Quý, Đại học quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES).

Chấm dứt việc chuyển đổi các vùng rừng tự nhiên được “đánh giá là kém giá trị kinh tế” thành vùng sản xuất như trồng cao su, chè, cà phê…; hết sức hạn chế phá rừng tự nhiên trong mọi trường hợp. Bên cạnh đó, để quản lý và bảo vệ tốt cần phải có sự tham gia thực sự của cộng đồng dân cư địa phương có liên quan và họ phải nhận được quyền lợi khi tham gia bảo vệ và quản lý. Tích cực trồng cây, gây rừng, nhất là các vùng đồi núi, để sớm đạt diện tích có rừng che phủ trên 50% diện tích tự nhiên.

Chúng ta cũng cần đẩy mạnh việc thực thi pháp luật, thực hiện nghiêm túc Luật ĐDSH và các luật có liên quan. Khuyến khích việc nuôi trồng các loài cây, con có giá trị kinh tế có kiểm soát, để giảm nhẹ sức ép khai thác các loại tài nguyên này trong thiên nhiên. Để có thể thực hiện được những điều trên, cần có hiểu biết cụ thể về tài nguyên ĐDSH hiện nay của nước ta để giúp các địa phương xây dựng quy hoạch sử dụng bền vững nguồn tài nguyên này. Muốn vậy cần có đội ngũ cán bộ khoa học về ĐDSH có trình độ cao.

Còn theo TS. Nguyễn Cử, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (IEBR), biến đổi khí hậu đang là lớn, vấn đề toàn cầu nhưng nếu xét riêng ở Việt Nam hiện nay thì tình trạng  khai thác, sử dụng và buôn bán trái phép nguồn tài nguyên ĐDSH là vấn đề lớn. Điều này liên quan đến nhiều vấn đề, riêng năm 2010, TS khuyến cáo nên tập trung nhiều vào các vấn đề như Luật ĐDSH vì đây là lần đầu tiên chúng ta có và thực hiện Luật ĐDSH. Mọi người đều cần biết đã có luật này và nội dung chính của nó, điều gì liên quan đến đời sống và hoạt động của người dân hàng ngày, nhất là các cộng đồng dân cư sinh sống bên trong và xung quanh các khu bảo tồn. Cần phổ biến rộng rãi và có những nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết, rõ ràng.

 
TS. Nguyễn Cử, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (IEBR)

Đối với hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển và đất ngập nước cần thống nhất về tổ chức, quản lý hệ thống này từ TW trở xuống, huy động sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động quản lý bảo vệ tài nguyên  ĐDSH. Đồng thời xây dựng các dự án, đề xuất các hoạt động liên quan đến việc quản lý bảo vệ các hành lang đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, cần coi trọng và ủng hộ việc bảo vệ, xây dưng và quản lý hệ thống các Vườn chim (hay Vườn Cò, Sân chim,…) có quy mô khác nhau, phần lớn đã có lịch sử hình thành từ lâu đời và đang tiếp tục phát triển trong cả nước. Vườn chim có giá trị bảo tồn ĐDSH, tham quan du lịch, giáo dục bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là đối tượng học sinh các trường phổ thông trong vùng. Kiểm soát có hiệu quả thật sự nạn săn bắt, khai thác, buôn bán và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp.

Các biện pháp tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học phải có nội dung phù hợp từng đối tượng và triển khai sâu rộng hơn đi liền với nội dung bảo vệ môi trường. Bên cạnh luật bảo vệ và phát triển rừng cùng với các văn bản kèm theo, Kế hoạch Hành động Quốc gia về ĐDSH, Chương trình Nâng cao nhận thức ĐDSH… thực chất cho đến nay còn rất hiếm người được biết đến và nói đến, kể cả cán bộ các cấp, ngành, chưa nói đến các đối tượng khác trong cả nước! Cần phải hiểu rõ rằng, tỷ lệ giảm nghèo cao không đồng nghĩa với việc giảm tỷ lệ số người nghèo xâm phạm tài nguyên đa dạng sinh học!

Thay cho lời kết, ông Vũ Văn Dũng chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng với sự nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam cùng sự trợ giúp và hợp tác quốc tế nhiều mặt và có hiệu quả thì năm 2010 sự suy thoái ĐDSH của Việt Nam sẽ giảm sút để chúng ta bước vào một giai đoạn mới trong công tác bảo tồn, giai đoạn quản lý bền vững ĐDSH của Việt Nam, góp phần tích cực trong sự nghiệp bảo tồn ĐDSH của thế giới”.