Thanh Hóa: Nuôi cánh kiến đỏ giúp bảo vệ rừng

ThienNhien.Net – Thanh Hóa là một trong số ít các tỉnh trong cả nước có nghề nuôi thả cánh kiến đỏ. Đây là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, Thái và Khơ Mú ở huyện vùng cao Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Việc khôi phục và phát triển nghề này không chỉ giúp bảo tồn giống cánh kiến đỏ, tăng giá trị kinh tế, tạo việc làm cho người dân mà còn giúp phủ dày những cánh rừng phòng hộ ở đầu nguồn sông Mã.

Người dân cho biết, cây nuôi thả cánh kiến đỏ là nhóm cây chủ lâu năm và cây chủ ngắn ngày. Cây chủ lâu năm nằm rải rác trong rừng, hai bên bờ suối và ven đường. Cây chủ ngắn ngày là cây đậu thiều.

Đối với cây chủ lâu năm, người dân thường buộc giống kiến lên cây, từ tháng 4 -5 là vụ chiêm, tháng 9-10 là vụ mùa thì cắt những cành có kiến để bóc nhựa, đồng thời thả giống lên cây chủ mới.

Ngoài ra, người dân còn nuôi thả cánh kiến đỏ trên các cây chủ phân tán, sử dụng cây mọc tự nhiên ven đường hoặc trong rừng, không tốn công trồng, tận dụng được diện tích đất tự nhiên.

Sau 3 năm khôi phục và phát triển, nghề nuôi cánh kiến đỏ đã giúp Thanh Hóa xây dựng được trên 70ha nguồn cây chủ ngắn ngày và cải tạo được trên 40ha cây chủ tập trung, lựa chọn được hơn 20ha cây chủ phân tán.

Thời gian tới, địa phương tiếp tục chuyển giao kỹ thuật, mở rộng diện tích trồng đậu thiều xen canh cây nông nghiệp, cải tạo rừng cọ phèn thành rừng sản xuất cánh kiến đỏ kết hợp trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, góp phần bảo tồn tri thức bản địa, phát triển kinh tế vùng cao và bảo vệ rừng phòng hộ.

Nhựa cánh kiến đỏ được xếp vào mặt hàng lâm, thổ sản quý hiếm. Nhựa được dùng để làm phẩm màu, nhuộm thức ăn, tráng bóng trái cây, hột cà phê và một số loại hột khác. Ngoài ra, nhựa cánh kiến còn được dùng để sản xuất ni lông tự huỷ, pha màu sơn, véc-ni và ứng dụng trong y khoa…