ThienNhien.Net – 2009 khép lại với những dấu ấn về sự trưởng thành và phát triển của nhiều tổ chức, câu lạc bộ môi trường. Với “Copenhagen 15”, với “Chiến dịch hưởng ứng Giờ Trái đất”, với “Đạp xe xuyên Việt”, với “Ngày quốc tế Không Khói Xe 2009”, với Chiến dịch “Nhà hàng xanh” và “Nói không với túi ni lông” cùng rất nhiều những hoạt động và chương trình ý nghĩa…, tất cả đã minh chứng cho tầm nhìn và sức trẻ Việt Nam, những con người tuy nhỏ bé, nhưng biết tập hợp, biết kêu gọi, biết tổ chức và biết lên tiếng vì môi trường xanh, thế giới xanh và tương lai xanh.
Môi trường, một vấn đề rộng lớn và phức tạp, tưởng chừng như chỉ liên quan đến các đơn vị chuyên ngành, nhưng giờ đây, trước những đòi hỏi cấp thiết của một môi trường đang ngày càng bị tàn phá, dường như nó đã trở thành trách nhiệm và công việc của mọi người, ở mọi tầng lớp xã hội. Ở đâu, làm gì, người ta cũng đều phải tính toán đến yếu tố về môi trường. Có lẽ đã có quá nhiều dẫn chứng từ thảm họa tự nhiên để con người hiểu và nhận thấy việc bảo vệ môi trường quan trọng đến nhường nào.
Nhận thức ấy ngày càng thấm dần trong giới trẻ. Bởi hơn ai hết, họ hiểu được mặt trái của sự đánh đổi, hiểu được giá trị của sự cân bằng giữa một bên là lợi ích kinh tế và một bên là lợi ích môi trường. Họ tự nhận thấy đã đến lúc phải xắn tay vào hành động để giữ lấy màu xanh cho cuộc sống, chứ không chỉ dừng lại ở những câu nói hay khẩu hiệu suông. Đặc biệt, nhận thức ấy không chỉ biến thành ý thức của mỗi cá nhân mà quan trọng hơn, phải được lan tỏa và truyền cho những tập thể và cộng đồng xung quanh, để tất cả cùng kết nối và chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh.
Sự ra đời của các câu lạc bộ, các nhóm tình nguyện vì môi trường… cũng xuất phát từ chính những ý tưởng đó đó. Mỗi nhóm, mỗi tổ chức đều xây dựng cho mình mục đích, tôn chỉ và hướng đi riêng, ngoài việc tập trung vào các hoạt động chính, họ còn kêu gọi sự tham gia của xã hội và cộng đồng, đồng thời phối hợp và liên kết với các nhóm, tổ chức khác để làm những chương trình, dự án quy mô hơn, có tầm ảnh hưởng lớn hơn.
Hiện nay, có đến hàng chục các câu lạc bộ thanh niên hoạt động hướng đến bảo vệ môi trường, trong đó phải kể tới một số nhóm tiêu biểu như: Câu lạc bộ Ðạp xe vì Môi trường (C4E), Nhóm Greenzoom, Chương trình Nâng cao Nhận thức về Môi trường và Biến đổi khí hậu (RAECP), Câu lạc bộ Hành trình xanh (GoGreen), Câu lạc bộ 3R Hà Nội, Câu lạc bộ Môi trường 3600, Hội sinh viên Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Câu lạc bộ Ðại sứ Môi trường Bayer (BYEE club) và Câu lạc bộ Năng lượng Sức khỏe Môi trường (EHE). Ngoài ra, còn rất nhiều nhóm tình nguyện môi trường nổi lên ở miền Trung, miền Nam như Nhiệt Huyết (Đà Nẵng), CLB Môi trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, hay Sài Gòn 350, Sứ giả xanh ở Cần Thơ…
Dù mới được thành lập và còn mang tính tự phát, nhưng hầu hết các nhóm đều hoạt động khá hiệu quả, huy động được nhiều nguồn lực thanh niên tham gia vào phong trào bảo vệ môi trường, kêu gọi sự ủng hộ, hợp tác của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài môi trường.
Đa dạng trong hoạt động
Một trong những nhóm thu hút được đông đảo các bạn thanh niên, sinh viên tham gia là Câu lạc bộ Đạp xe vì Môi trường (C4E). C4E thành lập từ 2007, ban đầu nhóm chỉ có hơn 10 người, nhưng được sự giúp đỡ của nhiều cá nhân, tổ chức… con số ấy hiện đã tăng lên hàng trăm tình nguyện viên. Từ đó đến nay, nhóm đã thực hiện rất nhiều chương trình ý nghĩa, như “Dọn vệ sinh địa điểm công cộng” tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội; tham gia Hội chợ triển lãm các sản phẩm sinh thái; thực hiện dự án “Ký tên vì Môi trường”, “Ngày không khói xe”…, đặc biệt là chương trình “Đạp xe xuyên Việt vì môi trường” lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 8/2008, thu hút hơn 1000 tình nguyện viên trên khắp cả nước tham gia.
Chọn cho mình một hướng đi khác, Mạng lưới Thế Hệ Xanh Việt Nam (Vietnam Green Generation Network) không hướng đến việc thành lập một tổ chức mà cố gắng trở thành một “diễn đàn” kết nối, nhóm họp và chia sẻ thông tin giữa các câu lạc bộ/nhóm tình nguyện vì môi trường để tạo thành một cộng đồng lớn hơn, xanh hơn. Thông qua các buổi tập huấn và các diễn đàn, Thế Hệ Xanh muốn tuyên truyền cho giới trẻ Hiểu và Hành động, nhằm nâng cao nhận thức về môi trường và hạn chế những tác động từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, từ đó khơi dậy lối sống lành mạnh trong giới trẻ, thân thiện với môi trường và hướng đến phát triển bền vững (*).
Mong muốn chung tay giải quyết vấn đề Môi trường và Biến đổi khí hậu, Chương trình Nâng cao Nhận thức về Môi trường và Biến đổi khí hậu (RAECP) cũng hướng đến việc mở những lớp tập huấn, những buổi thuyết trình cho toàn bộ học sinh, sinh viên cũng như các cơ quan trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng thời biên soạn, xuất bản các tài liệu và kêu gọi các tổ chức chung tay chống biến đổi khí hậu…
Tuy có nhiều đóng góp cho phong trào bảo vệ môi trường nhưng theo nhận định của bạn Hoàng Đức Minh – Giám đốc RAECP, các nhóm, cậu lạc bộ môi trường hiện nay vẫn thiếu tầm nhìn và chiến lược phát triển trung và dài hạn; nhân lực các nhóm còn hạn chế; quản lý của các tổ chức còn chưa chặt chẽ… Do đó, để hoạt động hiệu quả hơn, thời gian tới, các nhóm cần tăng cường trao đổi, chia sẻ và hợp tác; tích cực trợ giúp lẫn nhau, nhằm mở rộng phong trào, nâng cao hiệu quả và phạm vi ảnh hưởng tới cộng đồng.
Đột phá trong ý tưởng
Gặp Lưu Đức Hiệp, thành viên của GreenZoom, một trong những thành viên tiêu biểu của giới trẻ Việt Nam tại Copenhagen 15, chúng tôi đã bất ngờ trước ý tưởng kinh doanh “xanh” của bạn. Hiệp chia sẻ: “Mình muốn tổ chức những khóa đào tạo cho doanh nghiệp về lĩnh vực kinh doanh xanh, kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Để làm được điều đó, trước tiên, cần phải thiết lập mối quan hệ chiến lược với cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động tốt trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu có một khoản vốn nhỏ, mình muốn ưu tiên đầu tư vào hoạt động giáo dục về kinh doanh xanh cho sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn Hà Nội”.
Theo Hiệp, kinh doanh “xanh” là một phạm trù rộng, bao gồm tất cả những hoạt động kinh doanh sản xuất có tác động tích cực đến môi trường, cộng đồng, kinh tế và xã hội, nhưng vẫn thu được lợi nhuận. Từ đó, giúp doanh nghiệp có thể cân bằng được mô hình 3P (Planet: bảo vệ gìn giữ môi trường, People: trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và Profit: lợi nhuận mà doanh nghiệp tạo ra trong quá trình kinh doanh sản xuất.)
Một nhân vật khác cũng rất gây ấn tượng với chúng tôi là bạn Hoàng Đức Minh, Giám đốc Chương trình Nâng cao Nhận thức về Môi trường và Biến đổi khí hậu (RAECP). Minh được biết đến với những bài viết khá nhạy bén xung quanh sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen 15, đặc biệt là ý tưởng làm phim về sông Tô Lịch. Minh tâm sự, thời gian tới, bạn sẽ tiếp tục tham gia các diễn đàn, hội thảo trong nước và quốc tế; thực hiện một bộ phim về sông Tô Lịch; đến một số tỉnh thành giao lưu, chia sẻ, kết nối và tập huấn cho các câu lạc bộ; nói chuyện về biến đổi khí hậu tại một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội…
Về định hướng cho RAECP trong 2010, Minh cho biết, RAECP tiếp tục duy trì là một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu; thực hiện các hoạt động vì mục đích giáo dục – nâng cao nhận thức; tiếp tục biên soạn – dịch thuật các tài liệu về biến đổi khí hậu; phát triển mạng lưới các câu lạc bộ về môi trường trên toàn quốc, phát triển mạng lưới Thế hệ xanh…
Biết bao dự định và ý tưởng vẫn còn ấp ủ trong trái tim và khối óc của những chàng trai có ước mơ “khổng lồ” như Minh và Hiệp!? Tất cả đều lớn lao, đều hướng đến mục tiêu vì cuộc sống, vì hành tinh và vì con người!
(*) Mạng lưới Thế Hệ Xanh Việt