ThienNhien.Net – Vùng sinh thái rừng mưa miền núi Kayah-Karen là “ngôi nhà” của rất nhiều sinh vật, xếp thứ hai về sự đa dạng loài chim và thứ tư về động vật có vú trong số các vùng sinh thái khu vực Đông Dương. Vẫn chưa được khám phá hết, đặc biệt khu vực thuộc Myanmar, vùng đất này rất có thể còn ẩn giấu nhiều bất ngờ sinh học thú vị.
Vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên
Vùng sinh thái rừng mưa miền núi Kayah-Karen bao gồm cả phần phía bắc dãy núi Tenasserim, là ranh giới tự nhiên giữa Thái Lan và Myanmar. Nơi đây có rất nhiều đồi núi đá vôi Paleozoic đã bị phong hóa, các phiến đá, hào nước và các hang động… với tất cả đặc điểm sinh cảnh của một vùng đá vôi nhiệt đới.
Hệ động thực vật ở đây rất độc đáo, bao gồm cả một số loài đặc hữu, và rất có thể còn nhiều loài chưa được biết đến.
Hầu hết địa hình khu vực này khá gồ ghề và phức tạp: sườn đồi dốc với các đỉnh núi cao hơn 2.000 m; các thung lũng hẹp nhưng màu mỡ, nằm ở độ cao khoảng 300m. Sườn núi phía tây dẫn nước chảy vào sông Salween chảy qua Myanmar, vào vịnh Martaban ở Ấn Độ Dương; sườn phía Đông dẫn vào sông Chao Phraya chảy vào vịnh Thái Lan.
Mặc dù đá vôi, hình thái chính của vùng sinh thái miền núi này, đã được bồi tích trong môi trường biển cạn từ 300 triệu năm trước đây, nhưng tuổi đời các ngọn núi thì “trẻ” hơn nhiều. Chúng được hình thành do sự va chạm giữa hai lục địa Ấn Độ và Âu Á vốn đã tạo nên dãy Himalaya hùng vĩ khoảng 50 triệu năm trước.
Toàn bộ vùng có khí hậu gió mùa với mùa hè ấm và ẩm, mùa đông ôn hòa và khô. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.500 đến 2.000 mm. Mặc dù nằm giữa đường hạ chí tuyến, khí hậu vùng này vẫn lạnh vào mùa đông, đặc biệt còn có sương giá ở khu vực trên cao phía Bắc. Dãy phía Tây (phía Myanmar) là vịnh Bengan có nhiều mưa hơn, còn các dãy phía Đông (phía Thái Lan) khô và ít mưa hơn.
Sự khác biệt về khí hậu thể hiện rất rõ qua thảm thực vật ở đây. Rừng ở phía Đông, đặc biệt nơi có độ cao thấp, cây chịu hạn và cây rụng lá sớm chiếm phần lớn, trong khi ở phía Tây là các loài cây rụng lá theo mùa và cây thường xanh.
Các yếu tố thổ nhưỡng cũng ảnh hưởng tới thảm thực vật: rừng trên đá granit với khả năng giữ nước cao hơn có nhiều loài lá rộng thường xanh hơn, trong khi rừng trên đá vôi hầu hết là chịu hạn và rụng lá theo mùa. Cây trên những vách núi đá vôi có đặc điểm thân nhiều nhựa, lá nhỏ và đôi khi chóng lụi.
Ở độ cao thấp (dưới 1.000 m), bờ Đông của dãy đồi Tenasserim là nơi cư trú của thảm thực vật rừng khô, rụng lá theo mùa hoặc rừng xavan. Rừng gỗ tếch Tectona grandis đại diện cho thảm thực vật bậc cao ở độ cao thấp, nhưng ngày nay rừng gỗ tếch gần như tuyệt chủng ở Thái Lan và giảm nhanh chóng ở Myanmar.
Các khu vực ở độ cao thấp là địa hình của các cánh rừng xa-van. Vườn quốc gia Doi Suthep gần Chiềng Mai, Thái Lan là một ví dụ. Ở đây vùng rừng chiếm chủ yếu là cây họ Dầu (Dipterocarps) như Dipterocarpus tuberculatus và D. obtusifolia, cùng sồi như loài Quercus kerrii.
Những loài cây đặc hữu, quý hiếm gồm có thực vật biểu sinh thích nghi với hạn hán Discidia major, phát triển cộng sinh với kiến sống bên trong lá cây; và Phoenix acaulis, một loài cây nhỏ, có thể chống chịu cháy rừng.
Lên cao hơn là các cánh rừng cây lá rộng thường xanh và rụng lá theo mùa. Ở độ cao từ 800-1.200 m là tầng cây bụi dưới một tán rừng cao và dày bao gồm một số cây rất lớn và vững chắc có họ hàng với các cây rừng nhiệt đới, ôn đới trong họ Re (Magnoliaceae) và họ Mộc lan (Lauraceae).
Bóng mát ở tầng sát đất tạo điều kiện cho các loài dây leo như sung (Ficus spp.) và loài Gnetum, một loài dây leo hạt trần, phát triển. Sapria himalaica là một loài hiếm của rừng tầng dưới nơi đây. Loài tầm gửi này có hoa to màu đỏ và thân dưới đất, có quan hệ với loài Rafflesia khổng lồ của Borneo và Sumatra.
Trên đỉnh núi có rất nhiều loài thực vật Himalaya như cây họ Sồi (Castanopsis, Quercus, và Lithocarpus), Schima wallichii, cùng các thành viên của họ cây Bulô. Loài Rhododendron xuất hiện tại nơi cao nhất trên toàn vùng này.
Sự đa dạng các chủng loài ở Vườn quốc gia Doi Suthep, gần Chiềng Mai, Bắc Thái Lan có thể sánh ngang với các loài ở những khu rừng theo mùa đa dạng nhất.
Đặc điểm đa dạng sinh học
Vùng sinh thái này xếp thứ 4 ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương về sự đa dạng các loài thú có vú với 168 loài được biết đến, trong đó có cả dơi mũi lợn Kitti, Craseonycteris thonglongyai, đang sắp tuyệt chủng. Loài dơi này nặng khoảng 2g với sải cánh dài 8cm, sống trong những hang động đá vôi ở miền Tây Thái Lan. Hiện loài dơi này đang bị đe dọa vì bị bắt làm thú nhồi bông bán cho du khách cùng sự thay đổi vi khí hậu do nạn phá rừng.
Trong số các loài thú có vú có tầm quan trọng về bảo tồn có một số loài có nguy cơ tuyệt chủng như hổ (Panthera tigris), voi châu Á (Elephas maximus), bò tót (Bos gaurus), bò rừng (Bos javanicus), trâu rừng (Bubalus arnee), sơn dương (Naemorhedus sumatraensis), báo gấm (Pardofelis nebulosa), lợn vòi Malaysia (Tapirus indicus), chó sói lửa (Cuon alpinus), gấu ngựa (Ursus thibetanus), khỉ mốc (Macaca assamensis), khỉ cộc (Macaca arctoides), rái cá lông mượt (Lutrogale perspicillata), cầy giông Ấn Độ (Viverra zibetha) và vượn đen bạc má (Hylopetes alboniger).
Tê giác hai sừng được cho là loài vật sinh sống ở những vùng hẻo lánh trên các ngọn đồi Tenasserim trong những năm gần đây, nhưng loài vật cực kỳ quý hiếm đó nay đã bị xem như tuyệt chủng tại vùng sinh thái này.
Môi trường sống tương đối nguyên vẹn, liền mạch này có tiềm năng bảo tồn những sinh cảnh rộng lớn, là môi trường sống thích hợp giúp duy trì số lượng ổn định loài thú ăn thịt ở Châu Á- như hổ và các loài có tầm quan trọng khác trong bảo tồn. Vì vậy, vùng sinh thái này được xếp vào mức ưu tiên cao (Mức I).
Một số khu bảo tồn động vật hoang dã rộng lớn và nguyên sơ nhất của Thái Lan nằm trong vùng sinh thái này, bao gồm Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Huai Kha Khaeng (2,575 km2) và một vài khu bảo tồn khác tạo thành một mạng lưới liền kề.
Huai Kha Khaeng được đánh giá cao nhờ sự đa dạng cao trong loài mèo và quần thể động vật có xương sống tương đối nguyên vẹn, cùng những cánh rừng cây họ Dầu nguyên sinh mọc trên đất thấp.
568 loài chim của vùng sinh thái này đã đưa nó lên vị trí thứ hai về tính phong phú loài. Một số loài chim được xem là chỉ số về tính toàn vẹn môi trường và vì vậy chúng có tầm quan trọng đặc biệt về bảo tồn, điển hình như trĩ xanh (Chrysolophus amherstiae), gà lôi Hume (Syrmaticus humiae), gà lôi trắng (Lophura nycthemera), gà tiền mặt vàng (Polyplectron bicalcaratum), Công lục (Pavo muticus), Gà lôi Kalij (Lophura leucomelanos), Niệc nâu (Anorrhinus tickelli), Niệc túi (Aceros subruficollis), Hồng hoàng hung (Buceros hydrocorax), Phượng hoàng đất (Buceros bicornis), Niệc mỏ vằn (Aceros undulatus), và Ngan cánh trắng (Cairina scutulata).
Gõ kiến xám (Muellerpicus pulverulentus), là “cư dân” hiếm hoi của những cánh rừng đất thấp và đồi thấp ở vùng sinh thái này. Nó đặc biệt nhạy cảm với tình trạng suy thoái của rừng thứ sinh vì nó cần những cây lớn đã chết.
Một số loài trên đây có nguy cơ tuyệt chủng, riêng ngan cánh trắng và niệc túi là những loài có nguy cơ tuyệt chủng cấp toàn cầu.
Hiện trạng và mức độ bị đe dọa
Khoảng 1/3 diện tích vùng sinh thái rừng mưa miền núi Kayah-Karen đã bị chuyển đổi hoặc xuống cấp, song trong vùng cũng có 28 khu bảo tồn, chiếm khoảng 23.500 km2 (20%) diện tích. Diện tích trung bình của các khu bảo tồn là 725 km2, bao gồm một số khu liên hợp bảo tồn như Huay Kha Khaeng-Thung Yai Naresuan của Thái Lan (với khoảng 11 khu bảo tồn) và đặc biệt là khu bảo tồn Omgoy-Mae Ping-Mae Tuen.
Nông nghiệp là nguyên nhân chính gây nên nạn phá rừng ở khu vực này. Đặc biệt, ở những khu vực như bắc Thái Lan, những bộ lạc sống du cư trước kia nay đã định cư và chuyển rừng thành đất nông nghiệp.
Những cố gắng nhằm thay thế cây thuốc phiện (ở Thái Lan và Myanmar) cũng khiến người dân địa phương trồng nhiều vụ mùa thay thế và cần thêm nhiều đất trồng cùng thuốc trừ sâu. Nhu cầu về đất đai ngày một tăng buộc nông dân nơi đây phải rút ngắn thời gian giữa các vụ và phải lấn sâu vào trong rừng.
Những khu vực vùng sâu vùng xa, nơi các dân tộc thiểu số sinh sống, rừng phải chịu tình trạng xuống cấp đáng kể, còn những khu vực có nhiều dân cư sinh sống, rừng hoàn toàn bị biến thành đất trồng lúa.
Tình trạng săn bắn đã tàn sát hầu hết động vật có vú lớn nơi đây như voi, bò rừng, bò tót và hổ. Số lượng vượn và chim mỏ sừng, những loài có vai trò quan trọng trong việc phát tán hạt cây rừng cũng đã giảm trầm trọng ở nhiều khu vực.