Để năm Dần không phải là hổ giấy

ThienNhien.Net – Trong lịch 12 con giáp, dù muốn hay không, ông Hổ cũng phải đứng hàng thứ ba, sau ông Chuột bé tí tẹo và ông Trâu lù khù cần mẫn, nhưng đối với ngành bảo tồn thiên nhiên, ông ta nghiễm nhiên được "xếp chiếu trên” và “ngồi cùng mâm" bên bờ tuyệt chủng với tê giác, sao la, voi. Năm 2009 đã khép lại với nhiều hoạt động, sự kiện liên quan đến hổ. Có thể nói đối với giới bảo tồn, năm Hổ đã đến trước cái Tết Canh Dần 2010, với nhiều trăn trở.

 

“150” – con số quá lạc quan

 

Không chỉ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia bảo tồn mà cánh báo chí và những người quan tâm đến thiên nhiên rất nóng lòng muốn biết Việt Nam thực sự còn bao nhiêu con hổ? Một bài viết đăng trên báo Lao Động cuối tháng 12/2009 đặt câu hỏi “Chúng ta còn 1 hay 100 cá thể hổ ngoài tự nhiên?”

 

Các thông tin báo chí chính thống của Việt Nam trong gần 6 năm qua đều đưa thông tin Việt Nam còn khoảng 150 cá thể hổ hoang dã. Con số này bất di bất dịch trong một thời gian dài khiến bất kỳ ai đều có thể đặt câu hỏi, phải chăng chúng ta đang làm quá tốt công tác bảo tồn nên chẳng có con hổ nào bị mất đi trong mấy năm trời?

 

Tại hội thảo góp ý cho bản Khuyến nghị và hành động của Việt Nam đệ trình lên Hội thảo quốc tế về bảo tồn hổ tổ chức tại Kathmandu (Nepal) hồi tháng  9/2009, các chuyên gia nhận định rằng con số nêu trên chỉ là phỏng đoán bởi không có đủ cơ sở khoa học để khẳng định. Từ trước đến nay, Việt Nam chưa bao giờ tiến hành điều tra toàn diện số lượng hổ tự nhiên trên phạm vi toàn quốc, ngoại trừ một số cuộc điều tra sơ bộ bằng phiếu hỏi của Cục kiểm lâm ở các KBT năm 2004.

 

 hổ đông dương
Nghiên cứu khoa học và bảo tồn là lĩnh vực gian truân và thử thách. Mặc dù lớp trẻ hôm nay ngày càng quan tâm đến các vấn đề môi trường, song số dám hy sinh lợi ích cá nhân để dấn thân vào con đường gian khổ này “hiếm như lá mùa thu” (Ảnh: ThienNhien.Net)

Bản báo cáo mới nhất của Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên mang tựa đề “Hổ bên bờ tuyệt chủng” (tháng 1/2010) cho biết phụ loài hổ Đông Dương sinh sống tại 6 nước lưu vực sông Mekong và Malaysia, còn khoảng 350 cá thể và được xếp vào bậc cực kỳ nguy cấp trong danh sách đỏ thế giới, chủ yếu còn lại ở vùng biên giới Thái Lan – Myanmar. Tại khu vực Đông Dương, nếu tính bình quân, số lượng hổ còn không quá 30 cá thể cho mỗi nước.

 

Mặc dù con số mà WWF đưa ra chỉ là tương đối, song ít nhất, đó cũng là một nguồn tham khảo quan trọng để các nhà chức trách và giới bảo tồn nhìn nhận lại con số mà lâu nay chúng ta vẫn điềm nhiên công nhận, trong khi chờ đợi một con số cập nhật chính thức, nhưng chưa biết bao giờ mới có.

 

Nhìn nhận thất bại

 

Ông Phạm Mộng Giao, người từng lăn lộn hàng tháng trời trong những cánh rừng già xứ Mường Tè của những năm 1974-1976 nhớ lại: “Mường Tè khi ấy còn rất nhiều hổ, voi chừng 150 con và bò tót đếm được 137.  Đến 1991, tôi quay lại, cũng khu vực ấy chỉ còn khoảng 10-11 con voi ở vùng giáp Lào, bò tót thì đã hết, suốt 45 ngày đi bộ chúng tôi chỉ gặp dấu vết duy nhất một con hổ cái”.

 

TS. Nguyễn Mạnh Hà, chuyên gia bảo tồn thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên Môi trường (CRES) trong suốt 6 năm trời nghiên cứu tại Khu bảo tồn Phong Điền (Thừa Thiên Huế) cũng chỉ may mắn nhìn thấy dấu chân hổ đúng có một lần.  

 

Ở Hoà Bình, nơi có ông cụ Trần Kim Liêu người huyện Lạc Thủy nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc đấu nhau với hổ dữ hàng đêm về bắt trâu bò của dân trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, đến những năm 1990 hổ đã chẳng còn con nào.

 

Những mẩu minh chứng vụn vặt ấy có một mối liên hệ rất gần với lời phát biểu mà một chuyên gia đã chân thành chia sẻ trong cuộc hội thảo về bảo tồn hổ nêu trên, rằng “Nỗ lực bảo tồn của chúng ta đã thất bại!”

 

Mổ xẻ sâu hơn về sự thất bại trong lời nhận xét của đồng nghiệp mình, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho rằng chúng ta mới thực hiện công tác bảo vệ chứ chưa bảo tồn thiên nhiên và các loài động vật hoang dã một cách đúng đắn.

 

Hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam được xác lập từ những năm 1960, đánh dấu bằng sự ra đời của Vườn quốc gia Cúc Phương năm 1962. Kể từ đó số lượng các khu bảo tồn, vườn quốc gia đã không ngừng tăng lên. Đến 2008, số khu bảo tồn đã lên đến 128, chủ yếu là các khu bảo tồn trên cạn, với tổng diện tích khoảng 2,5 triệu ha.

 

Tuy nhiên, những con số lớn lao đó cho thấy “chiếc áo” vườn quốc gia hay khu bảo tồn thiên nhiên mà người ta khoác lên các hệ sinh thái tự nhiên cùng với thể chế quản lý đi kèm khá phức tạp  đã không đủ hiệu quả để bao bọc, giữ gìn tính nguyên vẹn của chúng.

 

Gần đây, sự ra đời liên tiếp của Phòng Bảo tồn Thiên nhiên (thuộc Cục Kiểm lâm), Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc Tổng cục Môi trường và Cục Cảnh sát Môi trường là những tín hiệu mừng cho thấy sự cải biến lớn về thể chế quản lý bảo tồn, tuy rằng muộn. Trong đó, Luật Đa dạng sinh học được ban hành và có hiệu lực từ tháng 7/2009 bước đầu tạo khung pháp luật cho quá trình thống nhất quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học và các loài quý hiếm, bị đe doạ tuyệt chủng ở Việt Nam.

 

Bảo tồn có trọng tâm

 

Việc khảo sát điều tra số lượng hổ toàn quốc đã là một việc cực khó, bảo tồn hổ đồng loạt trên cả nước sẽ khó và tốn kém hơn gấp trăm lần, và có thể nói luôn rằng “không khả thi”. Để một loài có thể duy trì và phát triển, ngoài nguồn thức ăn, lãnh địa đủ lớn thì bản thân chúng phải có một quần thể đáp ứng tối thiểu về số lượng và giới tính.

 

Kinh nghiệm bảo tồn cho thấy một quần thể nếu chỉ còn lại toàn con cái hoặc còn vài ba cá thể nhưng sống rải rác ít có cơ hội gặp gỡ, sinh sản, kể như quần thể ấy đã đối diện với số phận tuyệt chủng. Sao la và tê giác một sừng của Việt Nam là những loài chịu nguy cơ này rất cao.

 

Với hổ, phận may có lẽ còn mỉm cười vì ở một vài nơi quần thể hổ tự nhiên còn đủ để phát triển. Phát triển nếu được đầu tư thích đáng và hiệu quả, chứ không phải phát triển một cách tự nhiên. Theo các chuyên gia, một số vùng rừng Tây Nguyên và Tây Quảng Nam là những nơi có cơ hội để phát triển đàn hổ hoang dã. Đây là những khu bảo tồn lớn, liền dải với những cánh rừng của Lào hoặc Cam-pu-chia nên đặt ra vấn đề bảo tồn liên biên giới.

 

Ông Nguyễn Mộng Giao, một trong những nhà khoa học phản đối mạnh mẽ câu hỏi “Việt Nam có bao nhiêu cá thể hổ?” cho rằng việc bảo tồn có trọng tâm, có lựa chọn là cực kỳ quan trọng và chỉ như vậy mới có thể thực thi được.

 

Với khả năng của các chuyên gia hiện nay, hoàn toàn có thể điều tra khảo sát hổ trong một khu vực sinh sống. Kết quả điều tra này mới cho ra con số có ý nghĩa thực sự cho bảo tồn. Trong tình trạng diễn thế hổ Việt Nam cực kỳ nguy cấp hiện nay, càng phải tiết kiệm thời gian và tập trung các nỗ lực bảo tồn, không được phép dàn trải lãng phí.

 

Ông cũng nhấn mạnh rằng bảo tồn hổ phải gắn với việc phát triển con mồi và môi trường sống của chúng, nghĩa là bảo tồn trong điều kiện tự nhiên, trong động thái phát triển.

 

Cần một ý chí

 Hổ
Ảnh: CK Wong/WWF

 

Nhìn vào chương trình bảo tồn loài cũng như các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên ở nước ta nói chung trong thời gian qua, có thể thấy vai trò nổi bật của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức bảo tồn quốc tế, trong khi sự đầu tư của khu vực nhà nước còn khá dè dặt.

 

Ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ: “Có một thực tế đối với hổ cũng như những loài động vật quý hiếm nói chung, người ta nhìn thấy giá trị sử dụng hơn là những giá trị phi sử dụng như tính sinh thái, tính thẩm mỹ hay giá trị kế thừa. Chúng là những di sản của tự nhiên mà chúng ta được thừa hưởng, không lẽ gì chúng ta được phép tước đi quyền thừa hưởng đó của con cháu chúng ta. Nếu không gắn với một niềm tin, một trách nhiệm chúng ta sẽ không thể bảo tồn hổ hay bất cứ một loài nào”.

 

Vậy niềm tin và trách nhiệm ấy phải gắn vào đâu? Vào mỗi cá nhân hay vào cả hệ thống chính trị? Lôi kéo cả bộ máy quản lý nhà nước vào bảo tồn một loài động vật hoang dã, thoạt nghe có vẻ chẳng thực tế chút nào, nhưng sự thực là công cuộc bảo tồn hổ và bảo tồn thiên nhiên hoang dã nói chung không thể thành công mà thiếu đi sự quan tâm và quyết tâm của các các nhà lãnh đạo.

 

Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, đầu tư cho hệ thống quan trắc, giám sát, đầu tư vào chính sách, quy hoạch bảo tồn hay tác động không cho phép các dự án phát triển can thiệp thô bạo vào tự nhiên và các loài hoang dã, rõ ràng cần đến bàn tay, tiếng nói của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp.

 

Xây dựng được một hệ thống văn bản pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học được đánh giá tương đối đầy đủ, đó là một nỗ lực lớn của chúng ta trong nhiều năm qua. Song, chúng ta còn nhiều điểm yếu trong việc thực thi, đưa những văn bản ấy vào cuộc sống.

 

Để tồn tại những vụ phát hiện tàng trữ, nuôi nhốt, buôn bán hổ không rõ nguồn gốc mà không xử lý triệt để hoặc không thể xử lý theo đúng pháp luật, điều đó cũng giống như việc có thuốc kháng sinh, nhưng bất tuân thủ kê đơn của bác sĩ dẫn đến lờn thuốc.

 

Vài lời cuối với truyền thông về hổ

 

Chưa có một nghiên cứu nào để kết luận rằng trong thời gian qua báo chí truyền thông đã đóng góp cho công tác bảo tồn, và bảo tồn hổ nói riêng ra sao?

 

Đôi khi truyền thông cũng có tác động nghịch, do sơ suất của người thực hiện hoặc vô tình bị lợi dụng, hiểu sai. Việc báo chí đổ xô đưa tin bẫy ảnh được hổ ở Pù Mát những năm trước vô tình đã gây ra “tai nạn” bảo tồn. Sau khi báo chí công bố tin rộng rãi, khu vực có dấu vết hổ đã trở thành tiêu điểm cho các thợ săn, xuất hiện hàng loạt bẫy kiềng.

 

Tuy nhiên, cũng nhờ áp lực truyền thông, vấn đề bảo tồn đã được loan báo rộng khắp thế giới, thúc đẩy dư luận và khiến các chính trị gia phải lưu tâm hơn. Điều này có thể nhận thấy qua những chuyển biến tích cực của chính phủ Trung Quốc trong thời gian gần đây.

 

Và, có thể lập luận giản đơn rằng cũng như đối với bất kỳ một vấn đề nào khác của xã hội, với sức mạnh tự thân của mình, báo chí và các công cụ truyền thông đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, nếu được định hướng tốt sẽ góp phần tích cực và thúc đẩy hiệu quả các nỗ lực bảo tồn.