ThienNhien.Net – Ngày 06/02, tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" tại Khu di tích lịch sử văn hóa đền Cửa Đạt và công trình thuỷ lợi – thuỷ điện Cửa Đạt thuộc huyện Thường Xuân.
Phong trào trồng cây năm 2010 của tỉnh được khởi động với mục tiêu trồng mới 15.000 ha rừng tập trung, 5 triệu cây phân tán, đồng thời tập trung bảo vệ tốt vốn rừng hiện có là 530.000 ha, chăm sóc diện tích rừng mới trồng khoảng 17.000 ha… nâng độ che phủ rừng năm 2010 đạt 48%.
Riêng khu vực miền núi, Thanh Hoá chọn năm 2010 là năm tập trung cho trồng rừng sản xuất, tạo bước chuyển biến rõ nét trong sản xuất lâm nghiệp, hình thành các khu rừng có năng suất, giá trị kinh tế cao, nâng cao hiệu quả trồng rừng, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Để đạt được mục tiêu, Thanh Hoá phát động các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các trường học và nhân dân tranh thủ thời tiết thuận lợi tham gia trồng cây, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng.
Các huyện ven biển, các huyện có đê trồng thành các đai rừng nhằm ngăn lũ, giữ đất lấn biển, chắn gió, chắn cát bay; các huyện trung du và miền núi trồng cây trên gò đồi, đất trống, vườn rừng, trang trại rừng theo phương thức nông lâm kết hợp để phát huy tác dụng phòng hộ chống xói mòn.
Các huyện đồng bằng, thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ trồng cây nơi đất trống quanh nhà, dọc đường giao thông, bờ kênh, mương, đường phố, công viên để phòng hộ, tạo bóng mát và cảnh quan đô thị. Các cơ quan, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện trồng cây xanh tạo bóng mát, cải tạo môi trường…
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hoá tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh rừng, bảo vệ và phát triển tốt vốn rừng hiện có, đồng thời huy động và kêu gọi các nguồn lực để phát triển rừng; kiên quyết không để xảy ra tình trạng cháy rừng, triển khai tốt công tác phòng trừ sâu, bệnh; đồng thời đẩy mạnh công tác theo dõi, đánh giá các mô hình thâm canh rừng chất lượng cao làm cơ sở để nhân rộng mô hình trong nhân dân.
Sau lễ phát động, cán bộ các cấp, các ngành trong tỉnh, học sinh và nhân dân huyện Thường Xuân đã trồng được hàng nghìn cây bản địa xung quanh khu di tích lịch sử văn hóa đền Cửa Đạt và công trình thuỷ lợi – thuỷ điện Cửa Đạt.