Đưa tre Việt tỏa ra thế giới

ThienNhien.Net – Giờ đây, nhìn vào sự phát triển không ngừng của làng nghề tre trúc Xuân Lai (huyện Gia Bình, Bắc Ninh), với nhiều sản phẩm đã có mặt trong các gian hàng ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… mấy ai biết được, hơn mười năm trước, làng nghề này từng bị mai một, thậm chí đã có nguy cơ biến mất.


Từ việc khôi phục làng nghề

Đến làng Xuân Lai, người ta thấy những đống tre trúc lớn, nhỏ được xếp ở khắp nơi để phục vụ cho việc sản xuất của làng nghề. Trong các gia đình, tiếng máy cưa, tiếng đục đẽo vang lên cả ngày lẫn đêm. Đặc biệt, vào dịp tết, làng nghề tre trúc Xuân Lai nhộn nhịp hẳn lên, hàng trăm gia đình trong làng tất bật chuẩn bị hàng giao cho khách.

Ông Lê Văn Doàn, trưởng thôn Xuân Lai chia sẻ, làng nghề tre trúc Xuân Lai đã có từ lâu đời. Ngày trước, người làng đóng bàn ghế, giường tre… đem đi bán ở khắp nơi. Thế nhưng, đến những năm 1980, làng nghề dần bị mai một do không cạnh tranh nổi với các mặt hàng làm bằng nhựa và gỗ. Thêm vào đó, sản phẩm của làng đơn điệu, không có sức hấp dẫn khách hàng. Sản xuất ngày càng giảm sút, nhiều gia đình đã tính đến chuyện bỏ nghề. Vào thời điểm đó, cả làng chỉ còn vài chục hộ bám trụ với nghề, sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, làng nghề có nguy cơ bị biến mất. Từ cuối những năm 1990, làng nghề dần được hồi phục, các gia đình trong làng bắt đầu trở lại với nghề làm tre trúc


Ông Lê Văn Doàn, Trưởng thôn Xuân Lai. (Ảnh Chinhphu.vn)

Theo ông Lê Văn Doàn, yếu tố quan trọng giúp “hồi sinh” làng nghề là chính sách mở cửa nền kinh tế của Đảng và Nhà nước. Việc Nhà nước mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với nhiều nước trên thế giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều công ty xuất khẩu tre trúc ở trong nước. Bởi vậy, ngày càng có nhiều công ty tìm đến làng nghề tre trúc Xuân Lai để mua hàng. Bên cạnh đó, các du khách quốc tế khi đến tham quan làng nghề cũng góp phần đưa sản phẩm tre trúc vươn ra thế giới.

Với nghề tre trúc thì ở nhiều nơi khác cũng có, nhưng chỉ có làng Xuân Lai mới làm được các sản phẩm tre trúc hun khói. Đây chính là nét độc đáo của làng nghề. Khi tre được hun khói, sản phẩm sẽ có mầu sắc đa dạng và tăng độ bền, có thể sử dụng được hàng chục năm mà không lo bị mối mọt.

Khi hun khói tre trúc, người thợ phải làm rất tỉ mỉ và cầu kỳ. Tre trúc được hun bằng rơm nhưng khi hun tuyệt đối không được cho lửa bốc lên. Để hoàn thiện một mẻ hun các sản phẩm tre trúc, người thợ phải ở bên lò hun cả ngày lẫn đêm. Tùy vào màu sắc theo ý muốn của khách hàng mà thời gian hun kéo dài từ 5 – 7 ngày.

Bên cạnh các sản phẩm truyền thống như bàn ghế, giường tre… người dân làng nghề đã sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, một số gia đình đang phát triển mặt hàng tranh tre, đưa những hình ảnh của dòng tranh dân gian Đông Hồ lên nền tre trúc. Đây là những mặt hàng đang được thị trường ưa chuộng, nhất là thị trường nước ngoài.

Đến nay, làng nghề đã không ngừng phát triển với hai hợp tác xã, một công ty tư nhân và hơn 70% số hộ trong làng làm nghề tre trúc, mỗi năm đem về cho làng gần 10 tỷ đồng. Hàng tre trúc được tiêu thụ ở khắp nơi trong nước và trên thế giới như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ… trong đó hơn 60% sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ ở nước ngoài. Đặc biệt, đã có một công ty của Australia trực tiếp mở cơ sở sản xuất hàng tre trúc ngay tại làng rồi xuất khẩu sang bán ở thị trường Australia và nước khác.


Công nhân đang làm việc tại cơ sở của anh Lê Văn Xuyên. (Ảnh Chinhphu.vn)

Đưa tre Việt ra thế giới

Đi đầu trong việc đưa sản phẩm tre trúc ra thế giới là cơ sở của anh Lê Văn Xuyên. Anh tâm sự, vào thời điểm làng nghề đi xuống, anh phải lên tận Cao Bằng và Bắc Kạn buôn bán tre kiếm sống, còn gia đình thì vật lộn với đồng ruộng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Đến cuối những năm 1990, anh Xuyên nhận thấy ngày càng nhiều công ty xuất khẩu tìm kiếm các mặt hàng tre trúc để xuất ra nước ngoài. Anh quyết định quay về quê tiếp tục theo nghề của ông cha.

Năm 1998, anh mở cơ sở chuyên sản xuất mây tre xuất khẩu ngay tại làng. Điều đầu tiên anh làm là đến các công ty xuất khẩu để tham khảo những mẫu mã mà thị trường đang ưa chuộng. Sau đó, anh cải tiến những sản phẩm hiện có của làng nghề theo ý kiến đóng góp của khách hàng. Đến nay, anh đã có khoảng 1.000 mẫu sản phẩm tre trúc. Thêm vào đó, anh còn lập một website riêng để giới thiệu sản phẩm. Nhờ vậy, khách hàng chủ động tìm đến cơ sở của anh đặt hàng ngày càng nhiều.

Anh Xuyên cho biết, hiện giờ anh đã có thể giao dịch hàng hóa trực tiếp với khách nước ngoài không cần phải qua công ty trung gian. Năm 2009, cơ sở của anh đạt tổng doanh thu hơn 800 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 15 lao động. Trước năm 2008, hơn 90% sản phẩm tre trúc của anh được bán sang thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Đức, Nga, Mỹ… Từ giữa năm 2009, khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu hồi phục, các khách hàng nước ngoài tiếp tục quay trở lại đặt hàng tại cơ sở của anh.