ThienNhien.Net – Chiến dịch quốc tế bảo vệ hổ, một trong những loài động vật hoang dã biểu tượng của châu Á, đang được xem là mảnh đất màu mỡ cho Ngân hàng Thế giới (WB) “ghi điểm” với tư cách là tổ chức tham gia vào lãnh địa bảo tồn.
Các quan chức cấp cao của WB từ Washington DC đã tới Thái Lan tham gia Hội nghị Bộ trưởng Châu Á về Bảo tồn Hổ tổ chức vào cuối tháng 1 vừa qua tại Hua Hin, Thái Lan.
Đây là sự kiện hướng tới Hội nghị Bảo tồn hổ cấp Quốc gia sẽ diễn ra tại Vladivostok, Nga vào tháng 9 năm nay, khi Robert Zoellick, chủ tịch WB sẽ giữ vai trò đồng chủ toạ cùng Thủ tướng Nga Vladimir Putin.
Trong một cuộc họp báo, người phụ trách Chương trình Bảo tồn Hổ của Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã ghi nhận sự đóng góp của WB trong việc đưa các chính phủ xích lại gần nhau trong nỗ lực bảo tồn hổ thông qua các khoản đầu tư, trong đó có 1,5 triệu USD dành cho hoạt động đào tạo nhân lực tại các nước có hổ sinh sống.
WB đã tuyên bố tham gia bảo tồn hổ từ tháng 6 năm 2008 với Sáng kiến Bảo vệ Hổ Toàn cầu (GTI) – chiến dịch đưa vấn đề bảo tồn hổ vào các chương trình nghị sự quốc tế – đồng thời nắm vai trò đầu tàu trong các nỗ lực bảo vệ loài này.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử WB tập trung vào bảo tồn một loài sinh vật cụ thể bằng các đầu tư trực tiếp vào hoạt động bảo tồn, bằng việc đảm bảo rằng các dự án phát triển cơ sở hạ tầng do WB đầu tư không gây hại đến quần thể hổ tự nhiên, qua các gói hỗ trợ điều tra hoạt động săn bắt hay nghiên cứu sự thay đổi môi trường sống.
Đáp lại lời đề nghị từ chính phủ Lào, tháng 11 năm ngoái WB đã khởi động một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn.
Tuy nhiên, vẫn còn những hồ nghi cho rằng mục tiêu bảo tồn hổ của WB chỉ nhằm đối phó với những lời chỉ trích từ giới môi trường về những khoản đầu tư của họ trong quá khứ cho những dự án đã phá hủy môi trường và ảnh hưởng đến đời sống cư dân địa phương.
Bittu Sahgal, biên tập viên của một tờ báo hàng đầu Ấn Độ về bảo tồn còn gay gắt hơn khi cho rằng: “Thành tích nổi bật của WB trong quá khứ là đã đầu tư cho những dự án tàn phá nặng nề môi trường sinh thái. Ngày nay, loài hổ (ở Ấn Độ) còn sống sót phần lớn ở những vùng đất chưa bị đồng tiền của WB kiểm soát.”
Đi xa hơn lời buộc tội này, Bittu Sahgal còn cho rằng việc WB tập trung vào bảo vệ loài hổ thậm chí còn tệ hại hơn cả hành vi đánh bóng thương hiệu bằng các chiến dịch xanh hóa giả tạo. Anh chỉ trích: “Họ chỉ muốn gây ấn tượng với công chúng. Khi nói muốn giúp loài hổ, là họ đang phỉnh phờ chính phủ Ấn Độ chấp nhận những khoản đầu tư lên tới trên một tỉ USD cho đường cao tốc và hầm mỏ vốn sẽ huỷ hoại môi trường sống của loài hổ và các động vật hoang dã khác.”
Số lượng loài hổ hiện nay ước tính chỉ còn khoảng 3200 con, bằng một nửa con số thống kê vào năm Dần 1998 (theo lịch Can Chi). Theo các nhà bảo tồn, loài hổ có thể bị tuyệt chủng vào năm Dần 2022 nếu thế giới không có bất kì động thái cấp thiết nào nhằm mở rộng môi trường sống cho loài này và ngăn chặn nạn săn bắn trái phép.
Theo James Compton, giám đốc chương trình TRAFFIC Châu Á, chưa bao giờ công tác bảo tồn hổ lại được quan tâm như hiện nay, vì thế cơ hội chỉ còn “bây giờ hoặc không bao giờ nữa!”.