Hướng tới một thế giới thông minh về khí hậu

ThienNhien.Net – Với thông điệp "Hành động ngay bây giờ, hành động cùng nhau và hành động theo một cách khác" để đối phó với biến đổi khí hậu, Báo cáo Phát triển Thế giới 2010 do Ngân hàng Thế giới xuất bản, với chủ đề “Phát triển và Biến đổi khí hậu”, đã chính thức được công bố chiều 04/02/2010, tại Hà Nội.


Thông điệp từ Báo cáo Phát triển Thế giới 2010

Báo cáo cho biết, các quốc gia đang phát triển sẽ phải hứng chịu phần lớn thiệt hại từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là các quốc gia ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Và trong 50 năm tới, một số quốc đảo ở Thái Bình Dương có thể sẽ không còn tồn tại nếu khí hậu vẫn diễn biến theo chiều hướng hiện nay. Tăng trưởng kinh tế cao ở Đông Á và Thái Bình Dương kèm theo quá trình đô thị hoá nhanh chóng, nạn chặt phá rừng không suy giảm đang khiến khu vực này gặp nhiều biến động về môi trường.

Báo cáo cũng chỉ ra ba yếu tố chính khiến người dân ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu là: lượng dân cư lớn sống dọc theo bờ biển và ở những hòn đảo có vị trí thấp; một số nước nghèo còn phụ thuộc vào nông nghiệp; các nền kinh tế khu vực vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn thuỷ hải sản.

Bên cạnh biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững vẫn là những vấn đề trọng tâm trên toàn cầu. Hiện nay, ¼ dân số ở các nước đang phát vẫn đang sống với mức thu nhập dưới 1,25 USD/ngày; 1 tỷ người thiếu nước sạch; 1,6 tỷ người chưa có điện; 3 tỷ người chưa được hưởng điều kiện vệ sinh phù hợp và ¼ trong tổng số trẻ em ở các nước đang phát triển bị suy dinh dưỡng. Giải quyết những nhu cầu này vẫn được các nước đang phát triển và viện trợ phát triển ưu tiên, với nhận thức rằng, sự phát triển sẽ không dễ dàng mà ngày càng khó khăn hơn do biến đổi khí hậu.

Do đó, thông điệp mà Báo cáo Phát triển Thế giới 2010 đưa ra nhằm kêu gọi tất cả các nước cùng chung tay giảm thiểu phát thải cabon, giảm nguy cơ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu.

Theo bà Xiaodong Wang thuộc nhóm tác giả soạn thảo báo cáo, các quốc gia phát triển đóng vai trò chủ chốt trong việc giảm bớt dấu chân cacbon ngay tại nước mình và hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển trong những hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tình trạng ấm lên toàn cầu. Và nếu các nước phát triển cùng liên kết để hành động ngay bây giờ theo một phương thức mới, chúng ta hoàn toàn có thể có được “một thế giới khôn ngoan về khí hậu”.


Hội thảo Công bố Báo cáo Phát triển Thế giới 2010. (Ảnh: ThienNhien.Net)

Ông Justin Lin, kinh tế gia trưởng kiêm phó chủ tịch cao cấp của Ngân hàng Thế giới phát biểu: “Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cần một cuộc cách mạng năng lượng toàn cầu theo hướng sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và triển khai công nghệ ít cacbon.”

Hiện nay, nhiều quốc gia đang hướng tới con đường sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tích cực bảo vệ rừng, đồng thời tiến hành nhiều giải pháp mới để ứng phó với biến đổi khí hậu như xây dựng các đô thị thông minh với khí hậu.

Điển hình như Trung Quốc, hiện đang là quốc gia sở hữu nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, nhờ phát động chiến dịch tiết kiệm năng lượng quyết liệt. Nước này đặt mục tiêu từ năm 2005 đến 2010 giảm 20% mức độ tiêu thụ năng lượng, nghĩa là đến năm 2010 sẽ giảm 1,5 tỷ tấn CO2 phát thải mỗi năm.
Trong khuôn khổ “Chiến lược vì Phát triển và Biến đổi khí hậu” của Ngân hàng Thế giới, ngày càng có nhiều các nghiên cứu cũng như hỗ trợ tài chính cho khu vực Đông Á – Thái Bình Dương trong việc giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; đặc biệt ưu tiên đầu tư cho năng lượng tái tạo.

Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và cũng đã chủ động có kế hoạch hành động cùng cộng đồng quốc tế chống biến đổi khí hậu. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Trần Văn Đức, bên cạnh Chương trình mục tiêu quốc gia chống biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hay Kịch bản nước biển dâng đã được công bố dựa trên các nghiên cứu thực tiễn, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng các công nghệ giảm cacbon.