ThienNhien.Net – Nhằm hoàn thiện thể chế về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thúc đẩy ngành tài nguyên và môi trường phát triển nhanh, bền vững, nâng tầm đóng góp của ngành trong nền kinh tế quốc dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức ban hành Nghị quyết số 27-NQ/BCSĐTNMT về “Đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường”. Theo đó, từng lĩnh vực của ngành, từng các dạng tài nguyên sẽ được tiếp cận và áp dụng dựa trên cơ chế thị trường. Thay cho cơ chế bao cấp, “xin – cho” như hiện nay, các dạng tài nguyên sẽ được tiến hành đấu thầu, đấu giá hoặc đấu quyền sử dụng công khai.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể Nhóm hỗ trợ quốc tế về tài nguyên và môi trường (ISGE) cho Việt Nam về “Đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường” (ngày 3/2), Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh, nội hàm khái niệm “kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường” thực chất là tiếp cận một phương thức quản lý mới, vẫn sử dụng cách tiếp cận cũ là điều hành và kiểm soát nhưng mở rộng phạm vi tiếp cận dựa trên thị trường, từ đó thay đổi thể chế trong quản lý phù hợp với nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Theo Bộ trưởng, phương thức này không mới lạ và đã được áp dụng khá hiệu quả ở nhiều ngành. Đối với ngành tài nguyên và môi trường, việc áp dụng cơ chế này không chỉ mang lại nguồn thu cho ngân sách mà còn giúp hạn chế tiêu cực, tham nhũng và đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng minh bạch và hiệu quả. Điều này là rất quan trọng vì thực tế hiện nay, thể chế quản lý ngành tài nguyên và bảo vệ môi trường còn nặng tính hành chính, bao cấp, hiệu lực quản lý Nhà nước chưa cao. Đóng góp của ngành tài nguyên và môi trường cho ngân sách và phát triển kinh tế – xã hội chưa tương xứng với tiềm năng của ngành, nhiều nguồn tài nguyên còn bị sử dụng lãng phí, kém hiệu quả.
Bộ trưởng cho biết, từ trước đến nay, tài nguyên thiên nhiên gần như được cấp cho không, do đó các ngành không có nguồn thu để đầu tư lại cho chính mình, khi thiếu lại phải xin Nhà nước. Chẳng hạn ngành Khí tượng thủy văn, ngành có gần 4000 cán bộ công nhân viên nhưng không tạo ra được nguồn thu, Nhà nước luôn phải viện trợ.
Do đó, thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế tạo nguồn thu ngân sách dựa trên nguyên tắc “Người sử dụng, hưởng lợi từ tài nguyên và môi trường phải trả tiền”, “Người gây ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên phải trả chi phí khắc phục và tái tạo”; hình thành cơ chế định giá, lượng giá và hạch toán tài nguyên; xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Bộ phấn đấu, trong 10 năm tới, riêng ngành khoáng sản Việt Nam sẽ đóng góp vào GDP cả nước với tỷ lệ xấp xỉ hoặc lớn hơn ngành dầu khí (hiện ngành dầu khí đang đóng góp hơn 30% vào GDP cả nước so với ngành khoáng sản là 7%).
Đối với tài nguyên đất, từ trước đến nay chúng ta vẫn làm theo cơ chế “xin-cho”, gây ra tình trạng lãng phí (ở các nước khác, tài nguyên đất đóng góp 7% GDP), do đó, khi chuyển sang cơ chế thị trường tài nguyên này chắc chắn sẽ có đóng góp không nhỏ cho đất nước.
Với các lĩnh vực khác, Bộ cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh đến hoạt động rà soát, hoàn thiện, bổ sung cơ chế và đẩy mạnh tổ chức đấu thầu sử dụng, khai thác tài nguyên.