ThienNhien.Net – Bảo đảm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong dịp Tết là nhiệm vụ trọng yếu được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu yêu cầu ngành Y tế phải thực hiện quyết liệt trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần.
Theo đó, Cục Y tế Dự phòng và Môi trường được giao nhiệm vụ hướng dẫn các địa phương chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt phòng ngừa bệnh cúm A(H5N1), cúm A(H1N1) ở người, tiêu chảy cấp và các bệnh dịch mùa đông – xuân khác có thể bùng phát. Cùng với công tác phòng chống còn là việc chủ động giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm để không bùng phát thành dịch trong dịp Tết.
Phân công cán bộ trực 24/24h
Cán bộ y tế tại địa phương phải phân công trực dịch 24/24 giờ để theo dõi, nắm tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, chỉ đạo các đơn vị trực dịch và báo cáo dịch.
Đối với công tác khám chữa bệnh, phải bố trí các kíp trực 24/24 giờ, bảo đảm đủ khả năng xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu, tai nạn giao thông, sinh đẻ trong những ngày Tết, không được từ chối hoặc để chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào.
Trường hợp bệnh nhân nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển đi các cơ sở y tế phù hợp sau khi đã giải thích kỹ cho người bệnh và người nhà.
Ngành dược có nhiệm vụ chuẩn bị sẵn sàng đủ thuốc chữa bệnh bảo đảm về chất lượng và giá cả, nhất thiết không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh.
An toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu
Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm phối hợp với Thanh tra Bộ để xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các tỉnh thành phố trọng điểm; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng giải pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu.
Hiện nay có tình trạng bán tràn lan các mặt hàng phục vụ tết không có xuất xứ, không an toàn cho người tiêu dùng như hạt dưa, hạt bí nhuộm chất gây ung thư, ô mai, mứt được chế biến vô cùng mất vệ sinh. Nguy hiểm nhất là rượu được “nấu” từ nước lã pha với cồn và hương liệu gây ảo giác, làm hại đến chức năng thần kinh, nội tạng của người uống.
Chính vì vậy, Sở Y tế cấp tỉnh cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, chú ý kiểm tra thực phẩm bày bán tại các chợ, các nơi bán thực phẩm phục vụ Tết, các nhà hàng, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; chống thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương nhằm giảm tối đa số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong dịp Tết.