Bức tranh sinh động “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam”

ThienNhien.Net – Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” đã tạo nên một bức tranh phong phú thông qua hình ảnh trưng bày các nhạc cụ dân tộc và ngôn ngữ của âm nhạc… Đây là lần đầu tiên hoạt động văn hóa giới thiệu nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam được tổ chức với quy mô lớn chào mừng 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2010) và hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.


Không gian trưng bày triển lãm với hàng nghìn hiện vật là nhạc cụ từ truyền thống đến cải biên, nhạc cụ mới đã thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc các vùng miền, với tính cộng đồng, tính đa dạng, phong phú và độc đáo.

Nhạc cụ truyền thống được trưng bày chọn lọc, phân theo các vùng, miền văn hóa như: đồng bằng Bắc bộ, thung lũng và núi cao phía Bắc; Duyên hải miền Trung; Trường Sơn – Tây Nguyên; đồng bằng Nam Bộ v.v… Đặc biệt, triển lãm trưng bày nổi bật các nhạc cụ được sử dụng trong 4 loại hình nghệ thuật của Việt Nam đã được UNESCO công nhận Di sản văn hoá thế giới: Không gian Văn hoá cồng chiêng, Nhã nhạc Cung đình Huế, Ca trù, Quan họ.

Tại Triển lãm, khách tham quan còn được tìm hiểu về lịch sử, cấu tạo các loại nhạc cụ qua các phần “Khái quát chung về văn hóa và âm nhạc tộc người”, “Nhạc cụ truyền thống các vùng văn hóa”, “Giới thiệu các loại nhạc cụ truyền thống đã qua cải tiến và nhạc cụ mới”; “Khu trưng bày của các tỉnh, thành phố”; “Triển lãm ảnh nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam”.

Lễ khai mạc tối 29/01 đã mở đầu cho 6 ngày triển lãm sôi động với nhiều tiết mục độc đáo như Hòa tấu Nhã nhạc Cung đình Huế, biểu diễn Khèn Mông, Hát Xẩm, độc tấu đàn đá, đàn T’rưng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc Kh’mer, hòa tấu cồng chiêng Tây Nguyên, đàn ca tài tử, độc tấu Lạc Cầm, độc tấu đàn bầu…


Đàn đá Khánh Hòa. (Ảnh Chinhphu.vn)

Hơn 300 nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân của 12 tỉnh, thành phố đã hội tụ tại triển lãm, góp phần tạo nên một bức tranh phong phú, không chỉ có trưng bày các nhạc cụ dân tộc mà còn có ngôn ngữ của âm nhạc.

Trong suốt 6 ngày diễn ra triển lãm (từ 29/01 đến 03/02), sẽ diễn ra nhiều chương trình trình diễn và giới thiệu về các nhạc cụ truyền thống. Đặc biệt nhất là chương trình “Hồn nhạc Việt” tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào tối 01/02, chào mừng 80 năm ngày thành lập Đảng, với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật.

Nhạc sĩ Đào Đăng Hoàn – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết, đây là chương trình nghệ thuật có qui mô hoành tráng, lựa chọn các tiết mục trình diễn đặc sắc mang đậm nét bản sắc văn hóa Việt Nam.

Trong khuôn khổ Triển lãm, Ban Tổ chức phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền phong và Quỹ học bổng Vừ A Dính tổ chức Thi biểu diễn nhạc cụ truyền thống dành cho thiếu niên trong hai ngày 30 và 31/01/2010. Đối tượng dự thi là tất cả các em thiếu niên từ 10 đến 15 tuổi không phân biệt nam nữ, dân tộc (có mở rộng tới trẻ em khiếm thị) có khả năng biểu diễn một trong các nhạc cụ dân tộc.

Ngày 02/02, tại triển lãm cũng diễn ra Chương trình “Gặp gỡ, giao lưu học sinh, sinh viên tiêu biểu dân tộc thiểu số các trường văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khu vực phía Bắc với sự tham gia của hơn 300 học sinh, sinh viên tiêu biểu dân tộc thiểu số. Buổi tối cùng ngày sẽ diễn ra chương trình văn hóa nghệ thuật của học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số với chủ đề: Mừng Đảng – Mừng Xuân – Mừng đất nước đổi mới.