ThienNhien.Net – Giới truyền thông thường đưa hai loại thông tin về tội phạm liên quan tới động vật hoang dã: một là những thông tin kỳ quặc, giật gân về những tay buôn lậu trắng trợn, chẳng hạn như chuyện một du khách người Đức giấu một con khỉ đuôi sóc dưới bộ râu của mình; loại thứ hai là các báo cáo xuyên quốc gia. Bài viết này muốn đề cập tới loại thứ hai, vì những bản báo cáo như vậy nhiều khi đã vô tình làm hại các loài động vật vốn đã đang bị đe dọa.
Các báo cáo xuyên biên giới thường mô tả buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã là ngành công nghiệp mỗi năm mang lại 10 tỷ USD, mức lợi nhuận đứng thứ hai chỉ sau buôn lậu ma túy.
Hầu hết các báo cáo và các bài báo về buôn bán động vật hoang dã đều cho biết giá trị thương mại từ hoạt động buôn lậu này ở khoảng từ 6 tới 20 tỷ USD mỗi năm và luôn được so sánh với giá trị bất hợp pháp tạo ra từ ngành buôn lậu ma túy và vũ khí. Song điều đáng nói là hoàn toàn không có căn cứ nào cho các số liệu này.
Nhiều cơ quan và tổ chức phi chính phủ khác cũng sử dụng số liệu này. Và trong hầu hết các trường hợp, số liệu được cho là trích dẫn từ Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol).
Tuy nhiên, Bill Clark, thư ký Iterpol tại Israel cho biết: “Chúng tôi không biết các phương tiện truyền thông lấy số liệu đó từ đâu nhưng chắc chắn không phải từ Interpol. Trên thực tế, Interpol không đủ dữ liệu để đưa ra con số đó.”
Chưa hết, con số 6 tỷ USD còn đang tăng lên hàng năm và hiện nay con số được công bố đã lên đến mức 10 hay 20 tỷ USD. Bill Clark cho biết, một tờ báo của Nairobi mới đây còn công bố con số 31 tỷ USD/một năm cho giá trị của hoạt động buôn bán động vật hoang dã.
Lần đầu tiên người viết bài này được nghe thấy con số 6 tỷ USD là từ một tên buôn lậu động vật hoang dã đã bị bắt. Hắn cho biết đã nghe nhàm con số này trong suốt 20 năm qua và sự thật đúng như thế thì hắn ta đáng được để cho “yên thân”, đơn giản chỉ vì hắn ta đang “làm việc” trong một ngành công nghiệp không hề tăng trưởng.
Vậy điều gì đã và sẽ xảy ra? Chúng ta đều biết rằng quy mô hoạt động kinh doanh bất hợp pháp là rất lớn và những kẻ buôn lậu động vật hoang dã là xấu xa và đáng bị trừng trị thích đáng, nhưng cuối cùng thì ai quan tâm và có trách nhiệm nếu con số định giá hoạt động buôn lậu này bị đẩy lên? Và rồi thiệt hại sẽ thuộc về ai?
Định chế quốc tế đầu tiên về phòng chống buôn bán động vật hoang dã là Công ước CITES và Interpol cũng đã cố gắng định lượng giá trị của hoạt động buôn bán động vật hoang dã, nhưng rồi cả hai đều đã thất bại.
Năm 2007, Ban thư ký CITES còn khuyến cáo rằng cách đưa tin thiếu chính xác của truyền thông về điều này đáng bị lên án.
Theo đó, Ban thư ký CITES cho rằng, thông tin buôn lậu động vật hoang dã là ngành buôn lậu có lợi nhuận đứng thứ hai trong số ba loại tội phạm nguy trên thế giới bên cạnh vũ khí và ma túy là không có cơ sở và đã bị phóng đại. Thực tế, không hề có số liệu nào xác minh nguồn tin đó.
Trong khi mức độ nghiêm trọng của tội phạm buôn bán động vật hoang dã không còn phải bàn cãi và cần ưu tiên giải quyết bên cạnh các hành vi trái phép xuyên quốc gia khác, Ban thư ký CITES cho rằng, sự phóng đại, vốn dẫn tới việc quan tâm và hỗ trợ quá mức của các nhà làm luật và thi hành luật, là chưa thỏa đáng.
Hay nói cách khác, việc báo chí thổi phồng giá trị của ngành buôn lậu động vật hoang dã để “câu khách” đã gây tổn thất cho những nỗ lực phòng chống tội phạm.
Christy Bryan, tác giả bài viết, tốt nghiệp Trường Luật Michigan và ĐH Luật Tokyo, hiện hành nghề luật sư ở Washington DC. Ông viết cho National Geographic và là tác giả cuốn sách The Lizard King (Vua Thằn lằn). |