Không để cúm gia cầm bùng phát tại ĐBSCL

ThienNhien.Net – Trước tình hình dịch cúm gia cầm tái xuất hiện tại Cà Mau trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Diệp Kỉnh Tần đã yêu cầu Cục Thú y, Trung tâm Thú y vùng VII phối hợp với chính quyền địa phương sớm tìm giải pháp giải quyết dứt điểm các ổ dịch cúm gia cầm, ngăn chặn dịch cúm gia cầm bùng phát tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).


Theo báo cáo của Cục Thú y tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng chiều 26/1, trong hai tuần (từ 12/01 – 26/01) cả nước tiếp tục phát sinh thêm các ổ dịch cúm gia cầm, chủ yếu trên đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin.

Tại Cà Mau, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 13 hộ chăn nuôi của huyện Thới Bình và huyện Trần Văn Thời làm gần 3.300 con gà, vịt, ngan mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu huỷ. Đến nay, cơ quan chức năng đã tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm nơi bùng phát phát dịch; đồng thời phun thuốc khử trùng, dập tắt ổ dịch.

Tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo cơ quan thú y và các địa phương khắc phục tình trạng chủ quan, lơ là để xảy ra tái phát dịch cúm gia cầm, bệnh lợn tai xanh; khẩn trương tiêm phòng vắc xin cho toàn bộ đàn gia cầm; xử lý nghiêm số hộ không khai báo, chăn nuôi tái đàn gia cầm và giấu dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết, dịch cúm gia cầm tại Cà Mau đã kéo dài hàng tháng, trong số 4 điểm phát dịch thì có tới 2 nơi là ở thị trấn chứ không phải vùng sâu, vùng xa. Từ đó cho thấy hệ thống thú y cơ sở tại Cà Mau yếu kém, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong việc dập tắt ổ dịch.

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho rằng, nếu không sớm dập tắt dịch thì sẽ không tránh khỏi việc lây lan sang các tỉnh vùng ĐBSCL, nhất là khi các tỉnh này thu hoạch lúa đông xuân, vịt chạy đồng nhiều rất khó kiểm soát.

Đối với dịch lở mồm long móng, hiện cả nước có 7 tỉnh là: Phú Yên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu và Nghệ An có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.

Cục Thú y cho biết, dịch vẫn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, nguy cơ dịch phát tán và lây lan diện rộng vẫn cao do các hoạt động vận chuyển, buôn bán trong và ngoài nước, tiêu thụ gia súc phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán gia tăng. Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương ngoài việc tiếp tục tiêm phòng vắc xin cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vận chuyển gia súc trong thời gian tới.