ThienNhien.Net – Phải tới cuối 2010, các dự án thoát nước khu trung tâm TPHCM mới có thể hoàn thành, dù theo quy hoạch thì 2005 là thời điểm kết thúc hợp phần này. Sự chậm trễ trên khiến nhiều con phố đất Sài Thành vốn đã ngập lại càng thêm ngập.
Hầu hết các dự án thoát nước đến nay vẫn còn dang dở, trong đó có 3 dự án sử dụng nguồn vốn ODA là Dự án Vệ sinh Môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Dự án Cải thiện Môi trường Nước TP lưu vực Tàu Hũ – Bến Nghé và các hạng mục thoát nước giai đoạn I của Dự án Nâng cấp Đô thị.
Nhiều dự án cải tạo kênh, rạch trên địa bàn cũng bị chậm, điển hình là Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, cải tạo rạch Văn Thánh, cải tạo rạch Cầu Sơn – Cầu Bông…
Theo báo Thanh tra, trong năm 2009, công tác xóa, giảm ngập tuy có nhiều cố gắng nhưng việc giải quyết xóa ngập chỉ mang tính tạm thời, chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ngập không thuyên giảm là do nhiều hệ thống cống cũ bị phá dỡ trong khi hệ thống mới chưa được xây dựng; một số mặt đường bị sụt lún, gây võng thấp; nhiều trạm bơm hoạt động không hiệu quả. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa ngày càng làm phát sinh các điểm ngập mới…
Quy hoạch tổng thể thoát nước TPHCM đến năm 2020 được Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ nghiên cứu và Thủ tướng phê duyệt (năm 2001) nhằm giải quyết tình trạng ngập nước trên địa bàn TPHCM. Theo quy hoạch, lộ trình đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước TPHCM (giai đoạn 2001-2020) có tổng mức đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng để nạo vét 300km kênh rạch; cải tạo, sửa chữa và xây dựng 2.250km cống chính và 3.750km mương hở. |