ThienNhien.Net – Trong khi vấn nạn ô nhiễm ngày càng trở nên nghiêm trọng thì việc ban hành Luật Thuế môi trường được xem là giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc kỹ trước khi ban hành bởi mỗi loại sản phẩm, hàng hóa lại có mức độ ảnh hưởng tới môi trường khác nhau.
Tại hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật thuế môi trường tổ chức ngày 19/1, Tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho rằng, hiện nay, chúng ta đã có phí bảo vệ môi trường, nếu áp dụng thu thuế môi trường thì không hợp lý vì cả hai hình thức phí và thuế đều nhằm một mục đích là hạn chế hành vi gây ô nhiễm môi trường. Theo ông Tuấn, nếu đã thu thuế môi trường thì không thu phí nữa. Ngoài ra, cần mở rộng đối tượng chịu thuế khác như thuốc lá, pin, ắc qui…
Tuy nhiên, riêng đối với mặt hàng ni lông, có ý kiến lại cho rằng, ngoài việc đánh thuế môi trường, cần phải có những biện pháp hành chính bổ sung vì loại túi này quá rẻ và thông dụng nên được sử dụng rất nhiều, dù ai cũng biết đến tác hại của nó.
Được biết, mỗi năm Nhà nước chi khoảng 4.000 tỉ đồng cho hoạt động bảo vệ môi trường nhưng tổng phí môi trường thu được chỉ đạt 1.200 tỉ đồng/năm. Dự kiến sau khi ban hành, Luật Thuế môi trường sẽ giúp Nhà nước thu được 14 – 50 nghìn tỉ đồng mỗi năm, tạo thêm nguồn ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường. Nếu được thông qua vào tháng 10/2011, Luật này sẽ được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2012.
Theo dự thảo lần thứ ba của Luật Thuế môi trường, các loại sản phẩm/hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người như: xăng dầu, than, dung dịch làm lạnh chứa hydro-cloro-fluoro-carbon, túi ni lông và thuốc bảo vệ thực vật sẽ bị đánh thuế môi trường. Mức thuế sẽ được tính dựa trên căn cứ về số lượng, đơn vị hàng hóa khai thác, sản xuất hay nhập khẩu. Ví dụ: mức thuế môi trường đối với xăng dự kiến sẽ dao động từ 1.000 – 4.000 đồng/lít, dầu diesel từ 500 – 2.000 đồng/lít, than từ 6.000 – 30.000 đồng/tấn, túi ni lông từ 20.000 – 30.000 đồng/kg và thuốc bảo vệ thực vật từ 1.000 – 5.000 đồng/kg. |