Nước ở Việt Nam: Thiếu và suy giảm

ThienNhien.Net – Việt Nam có khoảng 850 tỷ m3 nước ngầm nhưng 63% trong số đó lại được cung ứng từ ngoài lãnh thổ. Trung bình, mỗi người dân Việt Nam chỉ được sử dụng 4.400m3 nước/năm, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới (7.400m3 nước/năm). Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đang thiếu nước.


Tham dự hội thảo “Tài nguyên nước và sự phát triển bền vững” tổ chức ngày 19/1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải,
Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Tài nguyên nước của Việt Nam nhấn mạnh, nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý báu nhưng không phải là vô tận. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nước do tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gia tăng dân số và biến đổi khí hậu. Do đó, việc đánh giá tổng thể thực trạng tài nguyên nước là yêu cầu cấp thiết, cần làm ngay.

TS. Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường, thành viên Hội đồng Quốc gia về Tài nguyên nước cũng cho biết, Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên nước trung bình trên thế giới, mức bình quân đầu người khoảng 11.000m3/năm. Tuy nhiên, việc nguồn tài nguyên này phân bố không đều cùng với những hạn chế về nguồn lực trong việc xây dựng những công trình điều tiết dòng chảy là những thách thức lớn đối với công tác quản lý tài nguyên nước của Việt Nam.

Hiện nay, tình trạng khai thác nước thiếu quy hoạch, lãng phí và gây ô nhiễm nguồn nước đang là những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong công tác quản lý tài nguyên nước.

Bộ đã đề xuất với Chính phủ một số nhóm giải pháp, nhằm quản lý, bảo vệ hiệu quả hơn nguồn nước quốc gia, trong đó, tập trung vào việc sử dụng hợp lí và tiết kiệm tài nguyên nước; huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lí tài nguyên nước…

Đặc biệt, theo ông Koos Neefjes, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, để cải thiện nguồn nước ở Việt Nam thì việc quy hoạch và quản lý tài nguyên nước cần phải được gắn kết với những chương trình và kế hoạch của nhiều ngành, từ đó mới có thể giải quyết hiệu quả những thách thức và biến động trong tương lai.