Điều chỉnh dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

ThienNhien.Net – Tại phiên họp thường kỳ ngày 19/01 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đều thống nhất ý kiến về sự cần thiết phải sớm ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, để luật thực sự đi vào cuộc sống, cần quy định thật sự chi tiết, cụ thể, tránh “luật khung”, “luật ống” khó áp dụng trong thực tế.


Trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và đề nghị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ban soạn thảo đã có những điều chỉnh, bổ sung cho dự thảo Luật.

Qua đó, phạm vi điều chỉnh của Luật được mở rộng theo hướng bổ sung một số điều quy định trách nhiệm của Nhà nước về xây dựng chính sách, biện pháp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, sử dụng hợp lý, hài hòa các nguồn năng lượng không tái tạo và năng lượng tái tạo…

Theo GS. Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – Cơ quan thẩm tra dự thảo Luật, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, dự thảo Luật đã bổ sung thêm 2 chương là “Chương 2: Bảo đảm an ninh năng lượng và Chương 4: Phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo”.

Đây là 2 chương mới quy định về yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng, mục tiêu và biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc phát triển năng lượng tái tạo là một giải pháp quan trọng trong việc tăng cường sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên không tái tạo, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia hiện nay.

Đối với những ý kiến về việc đưa Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào dự thảo Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, Chương trình này đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 79/QĐ-TTg năm 2006 và đã được bổ sung vào danh mục 11 Chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội xem xét, bố trí ngân sách hằng năm để thực hiện trong thời gian gần đây. “Chương trình được coi như một biện pháp cụ thể, thiết thực để triển khai trên phạm vi cả nước nhiệm vụ này và đang phát huy tác dụng”, GS. Đặng Vũ Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của các đại biểu đều nhấn mạnh rằng, các quy định trong dự thảo luật cần rõ ràng, phân định rõ những quy định nào là bắt buộc, quy định nào là khuyến khích… để có chế tài cụ thể.

Dự thảo Luật này sẽ tiếp tục được thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào tháng 05/2010 tới đây.