Hà Giang: Phát huy tiềm năng để thoát nghèo

ThienNhien.Net – Một vài năm trở lại đây, Hà Giang – tỉnh miền núi ở cực Bắc của Tổ quốc, đã có những bước phát triển khá toàn diện. Tuy nhiên, Hà Giang vẫn là một tỉnh nghèo với thu nhập của người dân còn thấp, cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Mới đây, thăn và làm việc tại Hà Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Hà Giang cần phát huy tiềm năng to lớn về con người, khí hậu, đất đai, tài nguyên, khoáng sản… đổi mới tư duy, năng động sáng tạo, vươn lên thoát nghèo và phát triển bền vững.


Năm 2009, bức tranh kinh tế ở Hà Giang đã có những chuyển biến tốt đẹp. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp, hiện đại hóa; tỷ trọng nông – lâm nghiệp – thủy sản giảm còn 35%. Tốc độ tăng trưởng GDP khá cao (13,46%).

Bên cạnh đó, Hà Giang đã chú trọng phát triển kinh tế rừng, xây dựng kết cấu hạ tầng. Diện tích rừng, chăn nuôi – trồng trọt phát triển mạnh. Hình thành một số cơ sở công nghiệp – dịch vụ, du lịch, nhất là thủy điện, khai thác chế biến quặng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng.

Đặc biệt, năm 2009, số hộ nghèo đã giảm mạnh (gần 6%), đời sống đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện một cách rõ rệt.

Hà Giang đã tích cực giải quyết nhu cầu nước sạch cho đồng bào các dân tộc 4 huyện vùng núi đá cao. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 14 hồ chứa nước phục vụ nhân dân 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Năm 2010, tỉnh sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng thêm 25 hồ chứa nước.

Tuy nhiên, dù sản lượng lương thực ở Hà Giang đạt 30,35 vạn tấn, cao nhất trong nhiều năm qua, nhưng vẫn là tỉnh nghèo, khó khăn, thu nhập thấp, mới đạt mức trung bình 6,3 triệu đồng/người/năm; cơ sở hạ tầng còn chưa phát triển.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của Trung ương, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Hà Giang cần phải nhìn nhận rõ tiềm năng thế mạnh của tỉnh, biến khó khăn thành lợi thế phát triển. Chú trọng phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp, dịch vụ và du lịch…

Thủ tướng lưu ý, Hà Giang cần rà soát lại các dự án phát triển thủy điện để đạt được cả hiệu quả kinh tế – xã hội, môi trường, đẩy mạnh triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nhân rộng trồng cây cao su, cải dầu, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Việc khai thác tài nguyên khoáng sản có trữ lượng lớn như sắt, ăngtimon, chì kẽm, mănggan, đá quý, nước khoáng… không được hủy hoại môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

Riêng vấn đề xóa đói giảm nghèo, các tầng lớp nhân dân, Đảng bộ, chính quyền tỉnh cần phải nỗ lực không ngừng để đưa Hà Giang sớm thoát nghèo. Đồng thời, cần tiếp tục xây dựng các bể nước, “phấn đấu đảm bảo nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc”.