ThienNhien.Net – Thực trạng về công tác quy hoạch của ngành xây dựng và những yêu cầu đối với công tác này thời gian tới là một trong những nội dung chính được đề cập tại Hội nghị tổng kết năm 2009 và triển khai nhiệm vụ năm 2010 của Bộ Xây dựng diễn ra ngày 18/01 tại Hà Nội.
59/63 tỉnh, thành có quy hoạch vùng tỉnh
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Thường trực Cao Lại Quang trình bày, năm 2009, giá trị sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2008. Tốc độ giải ngân các công trình xây dựng cơ bản đạt tới 70 – 80% kế hoạch và từng bước khắc phục được nhược điểm chậm tiến độ.
Năm qua, Bộ Xây dựng đã hoàn thành và trình Quốc hội thông qua 2 luật, 1 nghị quyết của Chính phủ, 1 nghị định, 6 quyết định của Thủ tướng và 4 thông tư hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành xây dựng.
Các công tác về quản lý kiến trúc và phát triển đô thị đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Đến nay, đã có 59/63 tỉnh, thành đã có quy hoạch xây dựng vùng tỉnh. Tất cả các đô thị loại 4 (thị xã) trở lên đều đã có quy hoạch xây dựng được phê duyệt, 12 quy hoạch vùng được hoàn thiện…
Đến nay, công tác quản lý, phát triển nhà và thị trường bất động sản được tập trung triển khai quyết liệt với việc đẩy mạnh có hiệu quả các chương trình về nhà ở như Chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở, phát triển nhà ở cho sinh viên, phát triển nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp…
Chất lượng nhiều đồ án quy hoạch vẫn chưa cao
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục. Đó là tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết tại các đô thị còn thấp, không đồng đều giữa các đô thị và vùng miền. Bên cạnh đó, chất lượng nhiều đồ án quy hoạch còn thấp, sơ sài, chưa đáp ứng được yêu cầu nên phải điều chỉnh trước thời hạn, một số đồ án thiếu cập nhật các quy hoạch định hướng hạ tầng diện rộng quốc gia, khi triển khai gặp vướng mắc lại… tiếp tục điều chỉnh.
“Không công khai quy hoạch chi tiết, việc sửa đổi bổ sung quy hoạch chi tiết vẫn còn tùy tiện, có trường hợp thực hiện không đúng với quy định của pháp luật” là những hạn chế mà Thứ trưởng Cao Lại Quang thẳng thắn nhìn nhận.
Vẫn theo ông Quang, một số tồn tại khác như thị trường bất động sản chưa thực sự minh bạch, chất lượng phát triển đô thị còn hạn chế, chưa đồng bộ, tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch vẫn còn thấp… đang là những vấn đề bức xúc hiện nay.
Bên cạnh nỗ lực khắc phục các hạn chế, Bộ Xây dựng cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2010 gồm: hoàn thành chương trình xây dựng văn bản pháp quy; thực hiện cải cách hành chính đồng bộ trong toàn ngành; tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu quy hoạch vùng lãnh thổ, vùng liên tỉnh, các chuỗi đô thị dọc theo các tuyến giao thông huyết mạch, vùng kinh tế trọng điểm; tổ chức đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện các quy hoạch vùng đã được phê duyệt thời gian qua.
Cùng với đó, tổ chức thực hiện Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2050; tổ chức xây dựng chiến lược nhà ở đến 2020; tăng cường quản lý năng lực, điều kiện hoạt động xây dựng…
Quy hoạch càng chi tiết càng tốt
Tới dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ ra những nhiệm vụ mà ngành Xây dựng cần tập trung thực hiện.
Cụ thể, công tác cải cách hành chính và xây dựng chính sách phải được xem là nhiệm vụ lớn nhất của ngành Xây dựng. Bởi đây là việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các vướng mắc cho các ngành và địa phương bằng các văn bản pháp quy. Có như vậy mới tháo gỡ được những khó khăn đang vấp phải trong thực tiễn.
Theo Phó Thủ tướng, cùng với cả nước, năm 2010, ngành Xây dựng gánh trên vai nhiều trọng trách lớn, với việc tham gia xây dựng nhiều dự án trọng điểm quốc gia như Nhà Quốc hội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc… theo đúng tiến độ đề ra.
Đối với công tác quy hoạch, Phó Thủ tướng lưu ý, chất lượng quy hoạch còn thấp so với yêu cầu của quản lý Nhà nước hiện nay. Vì thế, ngành Xây dựng phải coi đây là khâu đột phá, phải xác định quy hoạch là sống còn, kể cả với quy hoạch ngành.
“Đặc biệt, công tác quy hoạch phải đi trước một bước cho các ngành kinh tế – xã hội. Việc quy hoạch càng chi tiết, cụ thể bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, ngay như quy hoạch đường vành đai mới cũng phải xác định rõ trồng bao nhiêu cây xanh”, Phó Thủ tướng chỉ đạo cụ thể.