ThienNhien.Net – Dự án "Nhập công nghệ sản xuất giống cá đối mục Mugil cephalus" được triển khai trong 3 năm (2007-2009) với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia hỗ trợ, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản – Đại học Nha Trang là cơ quan tiếp nhận, Trường Đại học Trung Sơn (Trung Quốc) là đơn vị chuyển giao và doanh nghiệp tư nhân Thanh Hương (xã Hải Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) là địa điểm tiếp nhận. Mới đây, ngày 17/01, Dự án đã được kiểm tra, đánh giá và nghiệm thu kết quả.
Cá đối mục là loài có thể sống và sinh trưởng tốt trong môi trường nước lợ và nước mặn. Chúng có thể chịu đựng được nhiệt độ dưới 100C, thích hợp ở nhiệt độ 20–300C. Cá đối mục từ giai đoạn ấu trùng tới giai đoạn cá giống là loài ăn động vật phù du, khi trưởng thành chúng chuyển phổ thức ăn sang thực vật phù du, mùn bã hữu cơ lơ lửng và các thảm thực vật đáy.
Trong điều kiện nuôi, ngoài việc bón phân kích thích sự phát triển của tảo làm thức ăn tự nhiên cho cá đối, cá đối mục có thể ăn bổ sung cám gạo, đậu nành. Ngoài ra ao cũng được bón phân hữu cơ để tăng cường nguồn thức ăn tự nhiên.
Cá đối mục là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, do lớn nhanh và dễ nuôi ghép với các loài khác. Năng suất có thể đạt từ 2.500-3.500kg/ha. Ở Đài Loan cá đối được nuôi ghép với cá măng (2.000con/ha), cá chép Trung Quốc (3.250 con/ha) và cá chép (500 con/ha) ở mật độ 3000con/ha. Ngoài ra cá đối còn được nuôi ghép với cá rô phi, cá chép và cá mè với mật độ tổng cộng khoảng 12.300 con/ha.
Kết quả của dự án đã thu được 126 con cá bố mẹ, 200 con hậu bị, 50.000 cá giống, 500.000 cá hương. Các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu đều vượt so với chỉ tiêu đề ra từ Quyết định số 563/QĐ-BTS của Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN & PTNT) ngày 04/05/2007 về việc phê duyệt “Nhập công nghệ sản xuất giống cá đối mục Mugil cephalus” như tỷ lệ thành thục 70%, tỷ lệ đẻ 87,5%, tỷ lệ thụ tinh 81%, tỷ lệ nở hơn 80%…
|
Cá đối mục bố mẹ. (Ảnh: Khuyennongvn.gov.vn) |
|
Cá đối mục giống. (Ảnh: Khuyennongvn.gov.vn) |
Hội đồng nghiệm thu cũng đánh giá cao sự cố gắng của các bên tham gia dự án, và đề suất Bộ NN & PTNT tiếp tục cho nghiên cứu để hoàn thiện quy trình nuôi cá đối mục, từ đó có thể nhân ra diện rộng góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi và nâng cao thu nhập cho người dân.