"Đại gia" xả thải nhận trách nhiệm

ThienNhien.Net – Ngày 07/01/2010, ông Yang Kun Hsiang, Tổng giám đốc công ty Vedan Việt Nam đã ký vào biên bản của Bộ Tài nguyên – Môi trường, với nội dung: “Công ty Vedan có trách nhiệm chi trả bồi thường thiệt hại về kinh tế và môi trường, đồng thời hỗ trợ người dân trong khu vực bị ảnh hưởng do chất thải của công ty gây ra theo quy định của pháp luật”. Con số bồi thường cụ thể sẽ được chốt hạn trước ngày 31/01/2010. Trước đó, ngày 11/12/2009, Vedan đã thừa nhận là tác nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm dòng chính sông Thị Vải, dài 11km.


Hiểm họa từ chất thải Vedan

Vedan chưa sợ luật pháp

Vụ Vedan: Giải pháp nào cho khởi kiện môi trường?

Bài toán hậu Vedan

Ngày 13/09/2008, thanh tra Bộ Tài nguyên – Môi trường bắt quả tang công ty Vedan xả chui nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, sau đó, ngày 06/10/2008, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên – Môi trường ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty này với tổng số tiền là 267,5 triệu đồng, buộc truy nộp phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỷ đồng.

Sự việc khi bị phát hiện, hàng trăm hộ dân Đồng Nai, TP.HCM sống trong khu vực sông Thị Vải bị ô nhiễm đã đâm đơn kiện công ty Vedan gây ô nhiễm dòng sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc khiếu kiện của người dân chưa đạt được kết quả như mong muốn. Đây là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam, người dân khởi kiện một công ty, đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra.

Đầu tháng 12/2009, Viện Môi trường – Tài nguyên thuộc Đại học quốc gia TP.HCM cùng các cơ quan chức năng đã hoàn thành kết quả đánh giá tác động gây ô nhiễm trên sông Thị Vải. Theo đó, hàm lượng DO (lượng oxy hoà tan trong nước cần thiết cho sự hô hấp của các sinh vật) thấp dưới giới hạn cho phép; lượng COD (lượng oxy cần thiết để oxy hoá các hợp chất hoá học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ) vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 – 5 lần, hàm lượng N-NH3 vượt từ 4-8 lần tiêu chuẩn quy định.

Phạm vi ô nhiễm do Công ty Vedan gây ra được xác định, bao gồm: Huyện Nhơn Trạch (xã Phước An và Long Thọ); huyện Long Thành (xã Long Phước và Phước Thái) tỉnh Đồng Nai; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có: Huyện Tân Thành (xã Mỹ Xuân, Phước Hòa, Tân Phước và thị trấn Phú Mỹ).

Riêng TP. HCM, phạm vi bị ảnh hưởng từ ô nhiễm sông Thị Vải do Vedan gây ra là khoảng 84ha thuộc xã Thạnh An và vùng canh tác chồng lấn giữa tỉnh Đồng Nai và TPHCM. Do đó, Hội Nông dân TP. HCM kiến nghị Viện Môi trường – Tài nguyên phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố khoanh vùng 84 ha diện tích canh tác bị ảnh hưởng và xác định rõ ranh giới giữa các vùng canh tác chồng lấn giữa TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, để Hội có cơ sở thống kê lại thiệt hại, yêu cầu Vedan bồi thường cho người dân.

Về phía Vedan, sau hơn một năm sự việc xả chui nước thải bị phát hiện, công ty buộc phải “rút túi” hơn 30 triệu USD để gỡ bỏ 2.200m đường ống, 4 máy bơm và 3 họng xả được chôn sâu 10m để xả trộm nước thải ra sông Thị Vải, ngưng thải nước vào các hồ sinh học, đồng thời lắp đặt mới 3 trạm quan trắc nước thải tự động, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cô đặc dung dịch sau lên men, ống dẫn nước thải, dịch thải lỏng… Đến nay, Vedan cũng đã hoàn thành nộp phạt vi phạm hành chính 267,5 triệu đồng; nộp hơn 127 tỷ đồng tiền truy thu phí bảo vệ môi trường theo mà Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định xử phạt trước đó.

Theo thông tin từ Tổng cục Môi trường thì, Công ty Vedan đã tạm ngừng hoạt động đối với 4 nhà máy theo yêu cầu của Bộ: Nhà máy Lysine, khoai mì tươi, PGA và nhà máy nhiệt điện (TG1- 12MW); giảm công suất của các nhà máy: Nhà máy xút-axit, Nhà máy Nhiệt điện TG2, nhà máy Tinh bột biến tính và nhà máy Bột ngọt xuống còn 67% công suất để khắc phục hậu quả ô nhiễm.

Vedan Việt Nam (thuộc tập đoàn Vedan của Đài Loan) – một trong những công ty có số vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào tỉnh Đồng Nai, song cũng là một “ông trùm” xả thải chui của cả nước khi xả tới 5.000 m3 nước thải/ngày đêm ra sông Thị Vải. Đến nay, sau hơn một năm chối đẩy, cuối cùng Vedan cũng phải thừa nhận trách nhiệm của mình và cam kết bồi thường cho những thiệt hại của người dân do ô nhiễm dòng sông Thị Vải gây nên. Với sự cam kết bồi thường này, hi vọng công bằng sẽ đến với hàng ngàn hộ dân là nạn nhân của Vedan.