Phát hiện mới về loài thạch sùng cụt

ThienNhien.Net – Tiến sĩ Ngô Thái Lan, giảng viên Khoa Sinh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vừa có phát hiện về chu kỳ sinh dục, sinh sản của loài thạch sùng cụt quý hiếm. Đây là loài bò sát sống hoang dã rất hiếm gặp ở Việt Nam, và Vĩnh Phúc là một trong những phân vùng nhỏ của loài thạch sùng cụt sinh sống.


Thạch sùng cụt là loài bò sát thuộc họ Tắc kè, có tên khoa học là Gehyra mutilata Wiegmann, 1835 ( hay còn gọi là thạch thùng, móc rách, mối rách…).

Sau hơn 2 năm nghiên cứu, thí nghiệm thực tế 147 cá thể thạch sùng cụt trưởng thành thu thập ở thị xã Phúc Yên, trong đó có 76 cá thể đực và 71 cá thể cái, tiến sĩ Ngô Thái Lan đã tìm ra được chu kỳ sinh dục của thạch sùng cụt đực, chu kỳ phát triển noãn của thạch sùng cụt cái, xác định được thời kỳ xuất hiện con sơ sinh trong năm, mùa sinh sản của thạch sùng cụt. Từ đó xác định được thời kỳ nào xuất hiện nhiều thạch sùng cụt và thời kỳ nào ít giúp cho việc khai thác được thuận lợi, góp phần bảo tồn nguồn gen của loài động vật này.

Trong y học cổ truyền, thạch sùng cụt được coi là một vị thuốc chữa được nhiều bệnh. Chính vì vậy, thạnh sùng cụt bị săn bắt rất nhiều, có thể dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.

Trước đây cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về thạch sùng cụt nhưng các nghiên cứu chỉ dừng lại ở sự phân bố và đặc điểm phân loại, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về đặc điểm sinh sản của loài thạch sùng này.