Nghịch lý nguyên liệu “xanh”

ThienNhien.Net – Những công nghệ “xanh” nhất của thời đại, từ ô tô điện đến bóng đèn tiết kiệm điện năng hay những tuốc-bin gió khổng lồ đều đang sử dụng một nhóm các nguyên tố mang tên “đất hiếm”. Điều này khiến nhu cầu về loại nguyên liệu đặc biệt này tăng cao trên phạm vi toàn cầu. Song, thật trớ trêu thay, trong rất nhiều trường hợp, môi trường đã bị tàn phá chỉ vì nguồn nguyên liệu cho công nghệ “xanh” này.


Đất hiếm – nguyên liệu cho công nghệ “xanh”

Có 17 nguyên tố đất hiếm – trong đó có một số loại không thực sự “hiếm” như tên gọi vốn có của nó – trừ hai loại đất hiếm nặng là đyprosi và tecbi. Hai nguyên tố đất hiếm này đang thực sự là “cơn khát” của thị trường khoáng sản bởi chúng là thành phần không thể thiếu đối với các sản phẩm năng lượng xanh.

Một lượng nhỏ đyprosi có thể giảm 90% trọng lượng nam châm trong động cơ điện, còn tecbi giúp giảm điện năng tiêu thụ của đèn điện đến 80%.

Chính vì những tính năng đặc biệt này, giá thành đyprosi đã tăng gần 7 lần kể từ năm 2003, lên đến 53 USD/pound, trong khi giá tecbi tăng gấp 4 lần từ năm 2003 đến 2008, đỉnh điểm là 407 USD/pound, và giảm xuống còn 205 USD/pound khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra.

Vị thế của Trung Quốc về đất hiếm

Lượng đysprosi và tecbi khai thác tại Trung Quốc chiếm hơn 99% sản lượng toàn cầu và hầu hết trong số này được khai thác từ 200 mỏ phía bắc Quảng Đông và xung quanh tỉnh Giang Tây.

Vấn đề nằm ở chỗ, loại khoáng sản này được khai thác phần lớn từ các khu mỏ gây hại cho môi trường nhất, trong một ngành công nghiệp được cai quản bởi các băng nhóm xã hội đen Trung Quốc.

Các nước tư bản phương Tây rất lo ngại về vị thế gần như độc quyền này của Trung Quốc – một vị thế có thể giúp quốc gia này thống trị các công nghệ của tương lai.

Quốc hội Mỹ cũng đang băn khoăn trước thực trạng quân đội nước này hiện lệ thuộc quá nhiều vào đất hiếm của Trung Quốc và đang nỗ lực tìm biện pháp thay thế.

Quy trình khai thác tàn phá môi trường

Để khai thác đất hiếm người ta phải bóc đi lớp đất bề mặt, xúc dồn lớp đất xét ở dưới vào một bãi thải và dùng axit để tách đất hiếm. Lượng axit này chảy theo sông suối và hủy hoại những cánh đồng, ao cá và gây ô nhiễm nguồn nước.

Guyun, một ngôi làng nhỏ nằm ở đông nam Trung Quốc trước kia luôn xanh rì màu của cây cối, giờ đây nham nhở những vết sẹo màu nâu đỏ của đất sét khô cằn chạy dài xuống những thung lũng hẹp và những cánh đồng chết.

Chỉ sau 3 năm khai thác, khu mỏ đã cạn kiệt khoáng sản nhưng cả chục năm sau khi đóng mỏ, những cánh đồng lúa nơi hạ nguồn dòng nước vẫn chưa thể phục hồi.

Những khu mỏ nhỏ khai thác quặng đất hiếm nặng như đysprosi và tecbi vẫn đang hoạt động quanh khu đồi này hiện đang vấp phải sự phản đối từ phía người dân.

Bà Wang Caifeng, người quản lý ngành công nghiệp đất hiếm của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho rằng việc khai thác mỏ đang bị lạm dụng ở nhiều nơi và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sinh thái và môi trường.

Trong khi đó, các quan chức của ngành công nghiệp khai thác đất hiếm trị giá 1,3 tỷ USD này lại cho rằng các tác động môi trường của việc khai thác đất hiếm nhỏ hơn lợi ích mà các sản phẩm năng lượng xanh chế tạo từ khoáng sản này mang lại.

Thiếu quản lý chặt chẽ khai thác và buôn bán đất hiếm

Các nhà quản lý cho biết, chỉ một nửa số mỏ đất hiếm nặng của Trung Quốc được cấp phép, nửa còn lại là khai thác trái phép. Tuy nhiên, ngay cả những mỏ được coi là hợp pháp thì quá trình khai thác cũng không tránh khỏi những tác động tới môi trường.

Stephen G. Vickers, nguyên là trưởng ban chống tội phạm của cảnh sát Hong Kong, hiện là giám đốc điều hành Công ty An ninh Toàn cầu International Risk cho biết, các băng nhóm xã hội đen Trung Quốc thâu tóm hầu hết các mỏ đất hiếm và kiểm soát cả chính quyền địa phương.

Các nước phương Tây thì cho hay họ không thể xác định hay kiểm soát được tính hợp pháp của đất hiếm nhập từ Trung quốc vì tất cả số khoáng sản này đều được bán cho các thương gia lưu động. Các thương gia này mua các loại khoáng sản giá trị bằng tiền mặt rồi bán cho các trung tâm chế biến quanh Quảng Châu để tách riêng đất hiếm. Số đất hiếm này sau đó lại được bán cho các công ty để chế biến thành bột kim loại tinh chế.

Buôn lậu đất hiếm cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Theo một quan chức trong ngành công nghiệp khai thác, ½ số đất hiếm nặng xuất khẩu từ Trung Quốc là theo đường bất hợp pháp.

Zhang Peichen, quyền giám đốc Viện Nghiên cứu Đất hiếm Baotou, Trung Quốc cho biết cách làm của dân buôn lậu là trộn lẫn đất hiếm với thép rồi xuất khẩu hợp kim thép và sau đó sẽ tách chiết đất hiếm.

Trung Quốc cũng là nhà sản xuất hàng đầu loại đất hiếm nhẹ, vốn được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp. Song khác với loại đất hiếm nặng, các nguyên tố này không mấy khan hiếm trên thị trường và quá trình khai thác cũng được quản lý tốt hơn.

Kế hoạch của Trung Quốc và phản ứng của các bên liên quan

Tháng 4 vừa qua, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã ban hành kế hoạch sơ thảo về việc ngừng xuất khẩu đất hiếm nặng, một phần dựa trên quan điểm bảo vệ môi trường, một phần nhằm buộc các quốc gia khác phải mua các sản phẩm có chứa đất hiếm của chính nước này.

Khi bản kế hoạch được trình vào ngày 1/9/2009, các quốc gia và tập đoàn phương Tây đã phản đối mạnh mẽ, buộc đại diện của Bộ phải tuyên bố sẽ xem xét lại dự thảo. Tuy nhiên sau đó Trung Quốc vẫn cắt giảm 12% hạn ngạch xuất khẩu tất cả các loại đất hiếm – lần cắt giảm thứ tư trong nhiều năm qua.

Phản ứng trước động thái này, ngày Quốc hội Mỹ đã yêu cầu Bộ Quốc phòng tiến hành rà soát lại việc sử dụng đất hiếm nhập khẩu của Trung Quốc cho một số loại vũ khí và thiết bị dùng trong quân đội.

Các tập đoàn đa quốc gia cũng đang bắt đầu xem xét lại sự lệ thuộc của họ vào các loại đất hiếm nặng. Toyota cho biết họ mua các bộ phận tự động có chứa đất hiếm chứ không tham gia vào quá trình mua bán loại vật liệu này. Nhà sản xuất đèn thắp sáng Osram thuộc Siemens, Đức thì cho hay họ chỉ sử dụng một lượng rất nhỏ đất hiếm.

Các nước phát triển hy vọng sẽ mở thêm các mỏ đất hiếm tại Canada, Nam Phi và Australia. Nhưng sẽ phải mất rất nhiều năm để có được đất hiếm nhẹ với quy mô và số lượng lớn. Thêm vào đó, không giống như các mỏ ở phía nam Trung Quốc, hầu hết các mỏ đất hiếm khác đều lẫn urani và thori phóng xạ nên rất khó khai thác.