ThienNhien.Net – Đến xứ dừa Bến Tre bây giờ, thoắt cái, chỉ mất 5-7 phút là xe đã qua cầu Rạch Miễu. Đây là điều kiện thuận lợi để Bến Tre đón du khách ngày thêm đông. Tuy nhiên, nhiều du khách tới đây vẫn thích đi trên sông Tiền để ngắm chiếc cầu Rạch Miễu và cùng với sông nước, một bên là thành phố Mỹ Tho xôn xao ồn ã, một bên là dải đất vườn tược hiền hòa đang chờ du khách khám phá.
Miên man một dải sông Tiền
Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Du Lịch Bến Tre tại Tiền Giang Võ Thanh Sơn cho biết: “Đến với Châu Thành, ta nên đi bằng đường thủy trên sông Tiền rồi chuyển qua đi xuồng nhỏ, xuồng luồn sâu vào các con rạch dẫn qua các vườn cây trĩu quả, vườn dừa bạt ngàn; không gian xanh tươi, sông nước hiền hòa cùng lòng mến khách của người địa phương chính là nét đặc trưng của huyện cửa ngõ Châu Thành. Từ đây, nếu khách muốn nối tour, khách có thể đi thành phố Bến Tre, huyện Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày để rồi đi Trà Vinh hoặc lên Tân Phú đi Chợ Lách, Vĩnh Long”.
Nếu đi thuyền, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp dọc theo dải đất vườn tược mượt mà nằm bên bờ sông Tiền gồm các xã Tân Phú. Phú Đức, Phú Túc, An Khánh, Tân Thạch, Quới Sơn, Giao Long, Giao Hòa và An Hóa của huyện Châu Thành. Trên sông Tiền, du khách mải mê ngắm nhìn cụm cù lao tứ linh: Long, Lân, Qui, Phụng. Các cù lao này kéo dài thành một dãy, như những nốt nhạc xanh vẽ trên dòng nước bạc sông Tiền.
Ngoài Cồn Phụng là điểm du lịch vốn đã nổi tiếng từ trước năm 1975, Cồn Qui là điểm du lịch mới, đang được nhiều người chú ý vì nơi đây còn nét hoang sơ, yên ắng nhất trong nhóm tứ linh này. Nghe nói, về đêm, du khách nước ngoài rất thích đến đây để chỉ nhìn…đom đóm nơi những vạt bần hoang dã ven cồn. Đêm ở Cồn Qui gió sông lồng lộng, vô số ánh đèn đom đóm được thắp lên làm cho không gian nơi đây trở nên ấm cúng, huyền ảo.
Trong hành trình này, du khách sẽ ghé thăm lò kẹo Phong Phú (xã Tân Thạch) xem nghề sản xuất món kẹo dừa đặc sản của Bến Tre. Tất cả các công đoạn sản xuất, người ta đều làm bằng thủ công và mời khách ăn miễn phí những viên kẹo dừa béo ngậy, càng ăn càng ghiền. Rồi tiếp đó lại xuống thuyền đi sâu vào rạch Xếp để xem nhà dừa, xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cùng bộ sưu tập chuyên đề dừa Bến Tre do Công ty Cổ phần Du Lịch Bến Tre thực hiện thật công phu, tỉ mỉ.
Và một phân hấp dẫn trong chuyến đi này, du khách cũng sẽ được thưởng thức trái cây đặc sản tại vườn và giao lưu đờn ca tài tử Nam bộ cùng các nghệ sĩ địa phương tại điểm du lịch Quới An (xã Quới Sơn), để gợi nhớ miên man thuở người xưa đi mở đất phương Nam cùng các điệu lý ví von, trữ tình trên đất cù lao Bến Tre.
Từ Quới Sơn, khách tiếp tục đi xe ngựa, xe lôi hoặc đạp xe đạp trên đường làng để đến điểm du lịch Bến Trúc rồi nghỉ chân, thưởng thức trà mật ong nguyên chất cùng món đặc sản mứt dừa Bến Tre. Lại xuống xuồng chèo, đi qua những con rạch dừa nước xanh mướt. Xong, du khách đến tham quan khu du lịch Đạo Dừa – Cồn Phụng. Đêm trên Cồn Phụng bây giờ không còn vọng lại tiếng phà đêm hối hả vượt sông Tiền, mà thay vào đó là vệt ánh sáng lung linh uốn cong trên cầu Rạch Miễu ở phía cuối cồn.
Anh Võ Thanh Sơn cho biết: “Đây chỉ là một trong rất nhiều tour đưa khách đến cửa ngõ của xứ dừa. Năm 2009, tuy bị tác động bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch bệnh, nhưng Chi nhánh của Công ty Cổ phần Du Lịch Bến Tre tại Tiền Giang vẫn đón trên 45.000 lượt khách. Đó là con số khá cao so với khi cầu Rạch Miễu chưa khánh thành. Du khách đến Châu Thành ngày thêm đông phần lớn là nhờ vào hệ thống giao thông nông thôn tại đây thuận lợi, thông suốt”.
Đi tour du lịch dã ngoại nơi cửa ngõ này, nhớ mãi món canh chua cá ngác nấu với trái bần, còn với nhà thơ Phù Sa Lộc, anh rất thích món lẫu mắm với bông lục bình.
|
Đánh thức tiềm năng
Ngoài hai xã Giao Long và Giao Hòa, nơi đang xây dựng khu công nghiệp của tỉnh, các xã còn lại nằm dọc theo sông Tiền đều có thể phát triển du lịch nhất là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre Trần Duy Phương nhấn mạnh: “Ngoài kinh tế vườn, các xã nằm dọc bên sông Tiền đều có thể phát triển theo hướng thương mại – dịch vụ du lịch. Năm 2010-2012, dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng rộng 200 ha tại xã An Khánh và Phú Túc của Công ty An Phú sẽ khởi công xây dựng và đi vào hoạt động. Riêng tại xã Phú Túc, ngoài điểm du lịch nghỉ dưỡng rộng 7 ha của Công ty Lô Hội đang xây dựng, một điểm du lịch nghỉ dưỡng khác cũng đang lập dự án xây dựng tại đây. Tại huyện biển Bình Đại, sẽ xây dưng khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái rộng 600 ha tại cồn Chài Mười (xã Thới Thuận) với hình thức resort như các điểm du lịch ở ven biển miền Trung, và khu du lịch sinh thái Phú Bình (Chợ Lách) rộng 30 ha”.
Thế mạnh của các loại hình du lịch sinh thái tại Châu Thành là khai thác cảnh quan thiên nhiên sẵn có theo các tuyến sông rạch, cồn, bãi. Theo các tuyến sông rạch, du khách đến các điểm du lịch hộ gia đình, những vườn cây ăn trái đặc sản ở Phú Túc, Phú Đức, Tân Phú, Tiên Long, Tiên Thủy. Hiện nay, huyện Châu Thành có 28 điểm tham quan du lịch, trong đó xã Tân Thạch chiếm phần lớn với 13 điểm.
Ông Trần Duy Phương nói tiếp: “Châu Thành đang được xem là điểm đầu tiên đón khách đến Bến Tre rồi sau đó sẽ phân bổ khách đi các nơi trong tỉnh. Đưa khách về Bến Tre hiện có nhiều trung tâm du lịch lữ hành như Trung tâm lữ hành thuộc khách sạn Hàm Luông, Phòng Điều hành Công ty Cổ phần Du Lịch Bến Tre, Công ty TNHH Du Lịch Nam bộ. Năm 2009, tuy lượng khách du lịch trong nước giảm khoảng 10% nhưng với riêng Bến Tre thì tăng 10,14% với 478.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 40%”.
Lý giải về điều này, ông Phương cho biết: “Có người nói: đi du lịch ở Nam bộ nhìn chung mọi tỉnh đều giống như nhau, điều này chỉ đúng một phần. Thật ra, cũng là ở vùng sông nước, miệt vườn, nhưng với Bến Tre, nơi đây có những cái rất riêng của mình về bản sắc văn hóa và văn hóa ẩm thực. Như trái cây chẳng hạn. Những trái dừa xiêm, dừa dứa, bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt ngọt lịm, không đâu sánh bằng, là do được trồng trên đất cù lao màu mỡ này. Vùng đất cù lao này với sông nước hữu tình và chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh 86 km đường bộ, cũng là một thế mạnh riêng trong thu hút du khách“.
Nhưng cái khó cho phát triển du lịch tại Bến Tre là vấn đề đất đai, con người. Bến Tre đất hẹp, người đông, để có diện tích đất rộng làm du lịch xem ra không dễ gì. Con người qua đào tạo các dịch vụ du lịch tại tỉnh còn thiếu và yếu, hiện chỉ chiếm khoảng 27% với khoảng 3.000 người.
Tại hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều có Trung tâm thông tin, xúc tiến du lịch. Trung tâm này đều là đơn vị sự nghiệp với các hoạt động: quảng bá hình ảnh đất nước-con người của tỉnh nhà, thông tin các điều kiện cho du khách khi đến tỉnh nhà và hỗ trợ Nhà nước đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch.
Tuy nhiên, Bến Tre hiện chưa có được một trung tâm như vậy. Hy vọng trong tương lại không xa, việc hình thành một Trung tâm thông tin về Bến Tre sẽ được thực hiện, để chắp cánh cho du lịch xứ dừa phát triển.