ĐBSCL: Phát triển giao thông để "cất cánh"

ThienNhien.Net – Là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, vài năm trở lại đây, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn được ưu tiên đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông. Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ĐBSCL mà còn tạo cơ hội cho vùng đất châu thổ "Chín Rồng” này thực hiện kỳ vọng “cất cánh”.


Trở ngại lớn từ giao thông

Được thiên nhiên ưu đãi, ĐBSCL cung cấp khoảng 50% sản lượng lúa và 90% gạo xuất khẩu, 52% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước hằng năm. ĐBSCL có dân số đông thứ hai trong 8 vùng của cả nước, chiếm 21% dân số Việt Nam, là nơi cung cấp lao động công nghiệp cho các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM

Với những điều kiện trên, ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp nông thôn, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản, chế biến thủy sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều thế mạnh của ĐBSCL đến nay vẫn chưa được khai thác hiệu quả, chỉ dừng lại ở dạng “tiềm năng”, chưa thật sự trở thành động lực quan trọng tạo “cú hích” cho phát triển kinh tế- xã hội của vùng.

Một trong những cản trở lớn nhất là hệ thống giao thông của vùng chưa phát triển, và vì vậy khoảng 70% lượng hàng hóa của ĐBSCL hiện vẫn phải trung chuyển lên các cảng khu vực TP.HCM, phát sinh chi phí vận chuyển, mất lợi thế cạnh tranh.

Nguyên nhân của sự yếu kém về hạ tầng giao thông của ĐBSCL một phần xuất phát từ đặc điểm đặc thù về địa chất của vùng sông nước chằng chịt, đất yếu, thiếu nguyên vật liệu xây dựng…

Dỡ bỏ rào cản

Trước thực trạng trên, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm nhằm vực dậy nền kinh tế của khu vực này, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông khu vực.

Cụ thể, ngay từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 162/2002/QĐ-TTg về quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, định hướng đến năm 2020.

Tiếp đó, Quyết định 344/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển GTVT vùng ĐBSCL đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, đã tạo ra bước chuyển cơ bản. Đến nay, hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đã có một diện mạo mới, hoàn chỉnh, là điều kiện để tăng tốc phát triển.

Cuối năm 2009, nhìn lại 4 năm thực hiện Quyết định 344/2005/QĐ-TTg, các công trình trọng điểm đều đã cơ bản hoàn thành mục tiêu giai đoạn đến 2010. Hệ thống giao thông đã và đang được đầu tư xây dựng phù hợp với quy hoạch, phân bổ đều trên toàn bộ vùng ĐBSCL, trong đó bao gồm vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL.

Ngoài việc nâng cấp các cảng hàng không nội địa Rạch Giá, Cà Mau, các cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Dương Tơ cũng đang được triển khai xây dựng… Hệ thống hạ tầng giao thông vận tải được xây dựng theo hướng kết hợp chặt giao thông với thủy lợi, kiểm soát lũ, xây dựng các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ… tạo điều kiện hỗ trợ sự phát triển nhanh và vững chắc cho toàn vùng.

Để nâng cánh đất “Chín Rồng”

Đến những ngày đầu năm 2010, giao thông vận tải ĐBSCL đã dần được cải thiện với những công trình mới. Theo Bộ Giao thông vận tải, luồng mới dẫn tàu biển lớn vào sông Hậu sẽ hoàn thành và bắt đầu khai thác từ cuối năm 2011.

Khi hoàn thành, dự án đủ đáp ứng cho khoảng 22 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua các cảng biển của ĐBSCL. Lúc đó, việc từng đoàn xe ngược xuôi TP.HCM – ĐBSCL để chở hàng triệu tấn phân bón, máy móc nông nghiệp, hàng công nghiệp… có thể sẽ không còn cần thiết nữa, giá hàng hóa sẽ giảm và người dân được lợi hơn. 

Trong chuyến công tác tại ĐBSCL vừa qua, khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, một địa phương còn nhiều khó khăn do thế cô lập giao thông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đang tích cực tìm nguồn vốn để sớm khởi công cầu Cổ Chiên để tiến tới chấm dứt tình trạng giao thông cách trở giữa Bến Tre – Trà Vinh.

Khi cầu Cổ Chiên đi vào hoạt động, thế cô lập của Trà Vinh sẽ không còn, khoảng cách giao thông giữa Trà Vinh với TP Hồ Chí Minh được rút ngắn xuống chỉ còn 120km, thay vì 200km do phải đi theo QL53 và QL1A như bấy lâu nay.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự kiến cầu Cổ Chiên sẽ được xây dựng kiểu dây văng, dài khoảng 1.574m, tổng kinh phí đầu tư khoảng 3.437 tỷ đồng. Các đơn vị khảo sát thiết kế đang khẩn trương hoàn thành các khâu kỹ thuật để công công trình này sớm khởi công trong năm 2010.

Ngoài những công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành, cùng với Dự án kết nối trung tâm Mê Kông, năm 2010 là năm mà các công trình như cầu Cần Thơ; cầu Hàm Luông; sân bay quốc tế Cần Thơ (giai đoạn 2); đường Nam sông Hậu; Quản Lộ – Phụng Hiệp; và các cầu trên quốc lộ 1A (đoạn TP Cần Thơ – Cà Mau) được kỳ vọng hoàn tất.

Nhiều công trình mới như sân bay Phú Quốc; đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; dự án đường sắt TP. HCM – Cần Thơ; dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, mở rộng kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) được triển khai, sẽ đảm bảo cho sự tăng trưởng nhanh, đa dạng và vững chắc ở ĐBSCL.