ThienNhien.Net – Trong Hội nghị Địa Vật lý diễn ra tại San Fransisco trung tuần tháng 12/2009, các nhà khoa học đã công bố cuốn video ghi lại cảnh núi lửa phun trào dưới đáy biển ở độ sâu lớn nhất từ trước đến nay.
Cảnh quay bọt dung nham phun trào ở độ sâu 4000 feet dưới biển Thái Bình Dương được thực hiện trong cuộc thám hiểm đáy biển gần Samoa hồi tháng Năm. Cảnh tượng vô cùng hùng vĩ này đã được một con robot ngầm ghi lại với độ nét cao.
Các nhà khoa học hy vọng các hình ảnh, dữ liệu và mẫu vật thu thập được từ cuộc thám hiểm sẽ giúp khoa học soi sáng sự hình thành của lớp vỏ trái đất. Nghiên cứu này còn có thể giúp lý giải nguyên do tại sao các sinh vật biển có thể tồn tại và phát triển trong môi trường khắc nghiệt cùng cách thức mà Trái đất ứng phó với sự va chạm của các lớp địa tầng.
Bob Embley, một nhà địa sinh học thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) cho biết, khi áp lực nước vẫn có thể cản trở độ dữ dội của núi lửa phun trào tại một độ sâu nhất định, họ vẫn có thể đặt Robot vào ngay chân ngọn núi lửa đang hoạt động. Các tàu ngầm sẽ bơi gần khu vực phun trào, dùng cánh tay robot tiếp xúc với dung nham để thu mẫu vật.
Cảnh phun trào của núi lửa dưới đáy biển thực sự là một kì quan: những tia dung nham đỏ sáng bắn tung, tỏa ra các đám mây như khói sunfua.
Nham thạch hầu hết đông lại sau khi tiếp xúc với nước biển lạnh, và đây là nguyên nhân hình thành loại đá đen dưới đáy biển.
Các nhà khoa học về trái đất và đại dương cho biết đợt phun trào này đã giúp họ lần đầu tiên quan sát được sự hình thành của một vật chất có tên là “boninite”. Vật chất này trước đây chỉ được tìm thấy trong các mẫu vật ít nhất 1000 năm tuổi.
Trước kia, dung nham “boninite” chỉ được tìm thấy trong các núi lửa đã tắt, chính vì thế việc quan sát cách thức tạo ra vật chất này khiến các nhà nghiên cứu rất hào hứng.
Công việc ghi lại hiện tượng núi lửa phun trào dưới đáy biển đã được thực hiện từ cách đây 25 năm. Mặc dù 80% các vụ núi lửa phun trào là ở dưới đáy biển, các nhà khoa học ở NOAA và Quĩ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ chưa bao giờ chứng kiến một vụ phun trào nào sâu và chi tiết đến thế.
Hubert Staudigel, một nhà nghiên cứu núi lửa tại Phân Viện Scripps của Viện Hải Dương Học San Diego cho biết, đoạn băng lần này đã mở ra cơ hội nghiên cứu mới đầy thú vị: ”Chúng tôi đã được xem nhiều núi lửa phun trào, nhưng đây là lần đầu tiên được quan sát kiểu phun trào ở dưới đáy biển sâu như vậy. Kiểu phun trào này tạo nên hầu hết các ngọn núi lửa dưới đáy biển, và quan sát nó thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời.”
Các nhà khoa học cho biết vài mẫu nước ở gần núi lửa có tính axit, nhưng tôm và một số vi khuẩn nhất định vẫn có thể phát triển mạnh. Điều này khiến các nhà sinh học cảm thấy rất hứng khởi trước một cơ hội nghiên cứu mới, để xem liệu các loài này có phải là những sinh vật duy nhất của môi trường núi lửa hay không.
Tuy nhiên, các nhà sinh vật học đáy biển vẫn băn khoăn về việc xác định tần suất, mức độ và tốc độ phun trào. Điều có thể thấy trước là khi bề mặt núi lửa còn chưa ổn định do dung nham phun trào, các sinh vật sẽ không thể có được một nơi cư trú ổn định.