ThienNhien.Net – Trong những ngày gần đây, báo chí liên tục đưa tin về tình trạng cạn kiệt nước vùng hạ lưu sông Hồng. Còn nhớ đầu giữa mùa khô năm 2008, nước sông Hồng được cảnh báo đã xuống mức thấp nhất trong vòng 100 năm. Chưa đầy 2 năm sau, mới qua đầu mùa khô nhưng mực nước sông lại tiếp tục phá kỷ lục của 107 năm. Độ chính xác của những con số tới đâu chưa dám bàn. Song có một thực tế, sông Hồng đang ngày càng phải đối mặt với thách thức khô hạn. Đằng sau đó là nỗi lo cơm áo của hàng triệu con người.
Bàn về các nguyên nhân khiến mực nước sông Hồng hạ thấp, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giả thuyết, do tình trạng mất rừng thượng nguồn diễn ra rầm rộ và kéo dài trong những năm gần đây, do ngày càng nhiều công trình thuỷ điện mọc lên và những công trình này giữ nước “làm của riêng” để phát điện,…và dĩ nhiên, cả do biến đổi khí hậu.
Nước sông Hồng ngày một cạn, để lộ ra những cồn cát chiếm phần lớn dòng chảy đoạn qua cầu Vĩnh Tuy. |
Mênh mông cỏ, cát… |
Người nơi khác đến nơi này có thể bật hỏi “Tại sao không xây một con đuờng nhựa mà phải tốn tiền bắc cầu cao thế?” |
Một nhánh rẽ của sông Hồng phía dưới cầu Chương Dương đã không còn nước. |
Cầu Long Biên lộ “rễ”. |
Thiết nghĩ, nếu chúng ta có một hệ thống quan trắc tốt, với số liệu đầy đủ về mực nước sông và các yếu tố liên quan, có lẽ việc điểm mặt chỉ tên thủ phạm làm sông Hồng cạn kiệt đã không lúng túng và chung chung như vậy.
Sự suy giảm tầng nước mặt của sông Hồng trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến tàu bè qua lại, đến nghề nuôi trồng đánh bắt trên sông, đến hệ canh tác trong lưu vực… là sinh kế nuôi sống hàng triệu người dân miền Bắc. Nhưng hơn thế, đằng sau đó còn có những hệ lụy như sự sụt giảm lượng nước ngầm dưới đất, sụt lún địa chất hay gia tăng xâm nhập mặn vùng cửa sông, có thể đang diễn ra trên diện rộng nhưng không dễ nhận ra.
Những thông tin báo chí đưa ra gần đây chưa cho thấy rõ thay đổi mực nước sông Hồng chỉ là sự cạn kiệt ở đoạn cuối con sông hay là sự biến động của cả dòng sông trên lãnh thổ nước ta. Nếu là sự biến động quy mô lớn, có lẽ chúng ta phải nhìn nhận vấn đề rộng hơn, bởi sông Hồng cũng là con sông quốc tế.
Sông bắt nguồn từ vùng non cao hơn 1.700m của huyện Nguy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, hạ thấp xuống độ cao 76m (so với mực nước biển) tại Hà Khẩu rồi mới đổ vào Việt Nam. Chiều dài cả dòng sông 1.149 km nhưng đoạn chảy vào nước ta cũng chỉ non nửa, 510 km (*).
Như vậy, cả vùng thượng lưu sông ở Lào Cai, Yên Bái…mà chúng ta thường nhắc tới cũng chỉ là khúc thượng lưu nhỏ bé của một vùng hạ lưu rộng lớn. Điều gì đang diễn ra ở đầu nguồn con sông, ở vùng thượng lưu thực sự của cả dòng sông? Chúng ta còn ít biết.
Được biết cuối tháng 11 vừa qua, Bộ TNMT Việt Nam và Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trao đổi số liệu thuỷ văn. Hy vọng rằng, cùng với việc củng cố hệ thống thông tin quan trắc của mình, sự hợp tác với Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam có thêm nguồn số liệu tham khảo tốt để có thể đánh giá đầy đủ hơn về tình trạng cũng như những nguy cơ đối với con sông lớn nhất miền Bắc này.
(*) Số liệu Wikipedia