Chống buôn bán ĐVHD ở Việt Nam: Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế

ThienNhien.Net – Buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) đang trở thành vấn nạn toàn cầu, nhất là ở những nước đang phát triển. Tại Việt Nam, số lượng các vụ vi phạm ngày càng tăng, tập trung vào một số loại động vật quý hiếm trong khi công tác quản lý, giám sát còn nhiều hạn chế.

Bất cập thứ nhất liên quan đến những vấn đề về pháp lý. Theo báo cáo của Interpol, những văn bản pháp lý mà Việt Nam tham gia ký kết phục vụ công tác hợp tác quốc tế vẫn còn hạn chế và nhiều khi mang tính hình thức, mức xử phạt các đối tượng vi phạm cũng chưa đủ sức răn đe.

Thứ hai là những bất cập về cơ chế phối hợp giữa cơ quan chức năng trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, hiện nay, chúng ta vẫn chưa có sự thống nhất về đầu mối tiếp nhận xử lý thông tin về tội phạm môi trường xuyên quốc gia. Trong nhiều trường hợp, thông tin do phía nước ngoài gửi về bị chuyển qua chuyển lại giữa các đơn vị, cơ quan chức năng, gây mất thời gian, chồng chéo, không hiệu quả, thậm chí còn dẫn đến việc đề xuất xử lý thiếu đồng nhất giữa các cơ quan.

Bên cạnh đó, việc xây dựng lực lượng chuyên trách thực thi Công ước CITES cũng còn nhiều tồn tại, đội ngũ cán bộ biết ngoại ngữ, có kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật quốc tế thiếu trầm trọng, gây khó khăn cho việc điều tra, giải quyết các vụ liên quan đến hoạt động hợp tác với nước ngoài.

Theo Interpol, để nâng cao hiệu quả chống tội phạm buôn bán ĐVHD, tội phạm môi trường, Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn ĐVHD, đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu chiến lược đổi mới các hình thức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu…, đặc biệt cần liên kết với các tổ chức nước ngoài để mở các lớp thực tập, đào tạo ở trình độ cao.  

Interpol cho biết, doanh thu từ việc buôn bán bất hợp pháp các loài động, thực vật hoang dã trên thế giới đạt khoảng 10 tỷ USD/năm; mỗi năm cũng có khoảng 5 triệu cá thể chim, 30.000 cá thể linh trưởng, 15 triệu cá thể động vật có vú bị săn bắt và có hơn 600 loài bị đe dọa tuyệt chủng từ việc buôn bán bất hợp pháp động vật quý hiếm.

 

Ở Việt Nam, hàng năm có khoảng từ 3.700 – 4.500 tấn động, thực vật hoang dã bị buôn bán phục vụ nhu cầu ẩm thực, làm dược liệu, sinh vật cảnh và để xuất khẩu.