ThienNhien.Net – Sau một năm thực hiện Dự án "Thí điểm tiếp cận thị trường tổng hợp nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn thiên nhiên: Nâng cao đời sống cộng đồng vùng đệm để giảm thiểu tác động lên tài nguyên tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò" , hơn 400 hộ dân tộc H’mông của 2 xã Pà Cò và Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã được tập huấn kỹ thuật trồng ngô lai, nuôi lợn, gà cho năng suất cao…, nhờ đó kinh tế từng bước được cải thiện.
Trong một hợp phần của Dự án, vụ ngô năm 2009, xã Pà Cò đã đưa vào gieo trồng 320ha ngô lai (2 giống VN10, 8998), chiếm hơn 75% diện tích trồng ngô cả xã. Năng suất ngô đạt được bình quân cao gấp 2 lần so với giống ngô địa phương.
Cây su su đang được Dự án triển khai tại đây cũng hứa hẹn một hướng mới trong việc thâm canh cây trồng, mang lại thu nhập bền vững cho người dân địa phương.
Nhiều hoạt động tập huấn đã được Dự án triển khai tới nhiều thành phần, từ cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn đến người dân bản địa: Tập huấn Luật và Chính sách tổ hợp tác, quản lý tài chính cho Ban Phát triển Cộng đồng; tập huấn kỹ năng điều tra đa dạng thực vật cho các phòng của Ban Quản lý Khu Bảo tồn; tập huấn sử dụng các loại phương tiện kỹ thuật hiện đại như: máy tính, internet (cho thành viên Ban Phát triển Cộng đồng); máy định vị Garmin 60CSx (GPS) và Hệ thống tin địa lý (GIS) MapInfo Professional cho cán bộ Kiểm lâm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò.
Ngoài ra, Dự án đã tiến hành xây dựng 32 bếp đun cải tiến cho 32 hộ dân xã Pà Cò. Những bếp này được Trung tâm Dân số, Môi trường và Phát triển (PED) thiết kế dựa theo tập quán đun nấu, sử dụng nguồn nguyện liệu chính là củi của đồng bào vùng cao, giúp tiết kiệm 40 – 50% nhiên liệu.
Mặt khác, Dự án cũng đã thực hiện các cuộc điều tra hệ động – thực vật nhằm giúp Khu bảo tồn thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học và từng bước xây dựng chiến lược bảo tồn.
Ông Sùng A Màng, Bí thư Đảng ủy xã Pà Cò cho biết: “Điều quan trọng nhất là Dự án đã tác động đến ý thức bảo vệ rừng của người dân địa phương, giúp họ hiểu rằng xung quanh nơi họ sống có rất nhiều loài cây, loài thuốc quý hiếm cần được bảo vệ và khai thác hợp lý. Nhiều mô hình nuôi trồng mới từ Dự án đã được người dân áp dụng. Ngoài ra, việc chuyển sang bếp đun cải tiến cũng rất được người dân hưởng ứng, vì không chỉ tiết kiệm được củi đun mà còn giảm thời gian phải đi rừng lấy củi, và giảm chặt phá cây rừng”.
Dự án do Trung tâm Con người và Thiên nhiên thực hiện, triển khai từ năm 2008, với sự tài trợ của Quỹ Blue Moon, Hoa Kỳ.