ThienNhien.Net – Mỗi năm, cơ sở sản xuất mây tre của anh Nguyễn Hữu Tài ở xã Liệp Tuyết (Quốc Oai, Hà Nội) có doanh thu hàng tỷ đồng. Song điều quan trọng hơn là anh đã đưa được hàng mây tre Việt Nam ra thị trường thế giới, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Giữ nghề cho làng
Anh Tài kể, từ khi còn nhỏ, anh đã say mê những sản phẩm truyền thống làm bằng mây tre. Anh nhìn không biết chán bố mẹ nắn nót từng nan tre, sợi mây để đan thành những chiếc giỏ hay những chiếc bình.
Cuối những năm 1980, nghề làm mây tre ở xã anh ngày càng đi xuống do bị những mặt hàng nhựa dân dụng cạnh tranh gay gắt vì mặt hàng làm từ mây tre có mẫu mã đơn điệu, kém phong phú về chủng loại. Vào thời điểm đó, cả xã chỉ có hơn 100 gia đình còn bám trụ với nghề, nhiều người đã tính chuyện chuyển sang nghề khác. Nguy cơ bị mất nghề là rất lớn.
Trong khi đó, bên cạnh cây lúa, nghề làm mây tre đã gắn bó với người dân nơi đây từ lâu, tạo công ăn việc làm và thu nhập đáng kể. Nếu mất nghề, cuộc sống của người dân sẽ gặp không ít khó khăn.
“Nhìn thấy nhiều người trong xã bỏ nghề, tôi cảm thấy xót xa, trăn trở. Phải tìm cách nào đó để làng nghề đi lên, để người dân có thể sống được bằng nghề, gắn bó với nghề mây tre”, anh Nguyễn Hữu Tài kể. Vậy là, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội, anh quyết định ở lại quê hương dốc sức khôi phục lại làng nghề.
Anh xác định phải tìm được “đầu ra” cho mặt hàng mây tre, xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài. Anh lặn lội tìm đến những công ty thương mại trong và ngoài tỉnh để tiếp thị sản phẩm. Thế nhưng đến đâu anh cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Có khi, đi cả ngày nhưng chỉ bán được vài sản phẩm. Những lúc như vậy, cảm thấy thật chán nản, anh đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.
Thế nhưng, chính những thất bại đó đã giúp anh có được những bài học quý giá. Anh nhận thấy muốn bán được mặt hàng mây tre thì phải thay đổi cách làm, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã phong phú đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
|
Trở thành tỷ phú mây tre
“Tôi nghĩ muốn có chỗ đứng ở thị trường nước ngoài thì phải xây dựng uy tín bằng những sản phẩm có chất lượng bảo đảm, mẫu mã đẹp, hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Để làm được điều đó, khâu đột phá là đầu tư đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao”, anh Tài nói.
Trước hết, anh tìm đến những công ty chuyên về mặt hàng mây tre để thu thập những mẫu sản phẩm mà thị trường đang ưa chuộng. Sau đó, anh mở lớp hướng dẫn cho người trong làng cách làm sản phẩm mây tre xuất khẩu. Anh đầu tư hơn 30 triệu đồng mua nguyên liệu, thuê thầy nâng cao tay nghề cho người dân trong xã. Đặc biệt, anh đã dạy nghề cho hơn 200 lao động nghèo, giúp họ có một nghề trong tay để có thể tìm được việc làm.
Đến khi tay nghề người dân trong xã đã vững vàng, có thể làm được các sản phẩm mây tre đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, anh quyết định đã đến lúc đưa mặt hàng mây tre tiến nhanh ra thị trường nước ngoài. Năm 2004, anh dốc toàn bộ vốn liếng của mình, vay thêm ngân hàng và người thân thành lập Công ty cổ phần xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nhật.
Anh Tài xác định thị trường tiêu thụ chính là Nhật Bản và Đài Loan. Để có thể tiếp cận thị trường, anh chủ động mang những sản phẩm mây tre đến giới thiệu tại các công ty thương mại trong và ngoài nước có mối quan hệ với các công ty của Nhật Bản và Đài Loan.
Bên cạnh đó, anh tận dụng mạng Internet để quảng bá sản phẩm của làng nghề, lập một website riêng của công ty và giới thiệu các mặt hàng mây tre trên các website thương mại. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi đến tham quan và giao dịch, anh tiến hành xây dựng gian hàng trưng bày những mặt hàng mây tre của nhiều làng nghề trên cả nước.
Khách hàng tìm đến công ty anh ngày càng nhiều, thị trường tiêu thụ mặt hàng mây tre không ngừng được mở rộng ở Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia. Từ đó, anh đã góp phần quan trọng vào việc khôi phục và phát triển nghề mây tre của xã. Sau này, khi đơn đặt hàng đến liên tiếp, anh mở rộng các cơ sở vệ tinh ra các xã lân cận và nhiều tỉnh khác trên khắp miền Bắc như Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa…
Đến nay, công ty của anh Tài đã xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản, Đài Loan, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Năm 2008, anh xuất hàng triệu sản phẩm mây tre, chủ yếu là sang Nhật Bản và Đài Loan, với tổng giá trị là 500.000 USD (tương đương hơn 8 tỷ đồng tiền Việt Nam). Công ty anh đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động với mức lương từ 960 nghìn đồng đến 3,5 triệu đồng/ tháng.
Giới thiệu những sản phẩm mây tre đã được hoàn thiện để chuẩn bị xuất sang Nhật Bản, anh Nguyễn Hữu Tài bộc bạch: “Thực tế cho thấy, nghề mây tre đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân ở nông thôn, tạo nguồn thu nhập đáng kể, giúp người dân cải thiện cuộc sống. Bản thân tôi mong muốn nhà nước có một chiến lược lâu dài và có sự đầu tư thích đáng để nghề mây tre truyền thống phát triển hơn nữa”.