Cần bảo vệ môi trường đới ven bờ miền Trung

ThienNhien.Net – Với thế mạnh lớn về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, du lịch…, đới ven bờ miền Trung được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm cùng những tác động của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường của khu vực này, gây thiệt hại không nhỏ cho các tỉnh ven biển miền Trung.


Vấn đề này đã được đưa ra bàn luận tại hội thảo “Môi trường đới ven bờ duyên hải miền Trung Việt Nam”, do Viện Tài nguyên, Môi trường và Công nghệ Sinh học – Đại học Huế  tổ chức ngày 19/12.

Đới ven bờ duyên hải các tỉnh miền Trung là một dải đất nằm giữa dãy Trường Sơn về phía tây và biển Đông trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận với khoảng 1.200 km bờ biển. Đây là vùng có nguồn lợi hải sản khá phong phú, có nhiều bãi tôm, mực giá trị, là ngư trường rộng, có thể đánh bắt hải sản gần như quanh năm, là chỗ dựa sinh sống của hàng vạn ngư dân…

Theo báo cáo “Biến đổi khí hậu và vấn đề tổn thương môi trường ở đới bờ biển miền Trung” của nhóm tác giả thuộc Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) và Hội Địa hóa Việt Nam, hiện nay, đới ven biển miền Trung đang xảy ra tình trạng ô nhiễm cục bộ nguồn nước biển, quá trình hoang mạc hóa ngày càng tăng, đất cát và cồn cát bị suy thoái nghiêm trọng… Đặc biệt, do đối diện với biển Đông nên đới bờ miền Trung thường xảy ra thiên tai và hứng chịu sự cố môi trường từ phía biển vào (bão, áp thấp nhiệt đới, sóng to gió lớn, tràn dầu…). Chính vì vậy, hệ thống kinh tế xã hội và môi trường ở đây cũng rất dễ bị tổn thương.

 

Đới ven bờ vốn là dải đất có nhiều hệ thống sông, suối như sông Gianh (Quảng Bình), sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Hương (Thừa Thiên – Huế), sông Vu Gia (Đà Nẵng), sông Thu Bồn (Quảng Nam), sông Trà Khúc (Quảng Ngãi)… nhưng đa phần là các sông ngắn, có độ dốc lớn, dễ bị bồi lấp nên nước đổ xuống rất nhanh và thường xảy ra lũ lụt. Những năm gần đây, tần suất xảy ra thiên tai  tại miền Trung tăng lên rõ rệt, minh chứng rõ cho những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên dải đới này.

Đầm phá ven bờ miền Trung Việt nam là một loại hình thủy vực nước nông ven bờ, chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật.

Đặc biệt, môi trường  trầm tích các đầm phá ven bờ miền Trung hiện nay đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hàm lượng các chất ô nhiễm trong trầm tích các đầm phá (chủ yếu là dầu mỡ và các kim loại nặng như Cu, Pb, Zn…) ngày càng tăng, thậm chí còn vượt ngưỡng cho phép, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái đầm phá và sức khỏe con người.(1)

 

Đáng chú ý là trong thời gian qua, tại Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Trung nói riêng đã xảy ra hàng trăm sự cố tràn dầu, gây ô nhiễm ven biển và thiệt hại nghiêm trọng cho ngành du lịch. Do đó, các địa phương cần đẩy nhanh việc xây dựng bản đồ nhậy cảm các tỉnh, thành phố ven biển để phòng ngừa và ứng phó kịp thời các sự cố tràn dầu tại mỗi địa phương.

 

Tại hội thảo, một số báo cáo cũng đã đề cập đến vấn đề “tổn thương môi trường” cụ thể ở Phú Yên, vịnh Vân Phong (Khánh Hòa), vịnh Chu Lai – Dung Quất (Quảng Ngãi)…, tuy nhiên, hầu hết mới chỉ dừng lại ở việc thống kê hiện trạng chứ chưa đưa ra được nhiều giải pháp khả thi. Do đó, trong thời gian tới, rất cần những đề xuất, giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu cho đới ven biển quan trọng này, góp phần thực hiện chương trình quản lý ven biển và phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng nơi đây.


(1) Báo cáo “các chất ô nhiễm trong trầm tích tầng mặt các đầm phá ven bờ miền Trung Việt Nam” , nhóm tác giả Đặng Hoài Nhơn, Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Hữu Cử thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường Biển (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam).