ThienNhien.Net – Ban hành quy định cụ thể về gộp “sổ đỏ”, “sổ hồng”, quy hoạch sử dụng đất, phát hiện mới về một mỏ khoáng chất, trạm thu ảnh vệ tinh đầu tiên đi vào hoạt động, Việt Nam dự COP 15… là những sự kiện nổi bật trong năm 2009 của ngành Tài nguyên và Môi trường.
Năm 2009 là năm có nhiều ý nghĩa với quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đánh dấu một bước tiến lớn trong quá trình hội nhập và phát triển của ngành tài nguyên và môi trường. Đánh giá hoạt động năm 2009, ngày 29/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành, cụ thể:
1. Ðể tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường, lần đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường – Nghị quyết số 27/NQ-CP. Đây là một Nghị quyết riêng đối với ngành tài nguyên và môi trường, bao quát tất cả các lĩnh vực của ngành, là kim chỉ nam cho hoạt động của toàn ngành trong thời gian tới.
2. Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh kinh tế hóa ngành Tài nguyên và môi trường (Nghị quyết số 27-NQ/BCSĐTNMT) nhằm góp phần hoàn thiện thể chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thúc đẩy ngành tài nguyên và môi trường phát triển nhanh và bền vững, nhằm tăng đóng góp của ngành cho ngân sách và phát triển kinh tế – xã hội.
3. Để giải quyết căn bản những vướng mắc trong quản lý đất đai về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tạo thuận lợi cho người dân và các nhà đầu tư, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2009/NĐ-CP quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tạo nền tảng pháp lý quan trọng, phục vụ công tác quản lý và sử dụng đất đai. Đây là cơ sở để sửa đổi, xây dựng Bộ Luật Đất đai mới trong tương lai.
4. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất ra đời đã chấm dứt tình trạng phân tán trong việc cấp hai giấy chứng nhận trong suốt 15 năm qua. Đây là bước đột phá quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính với mục tiêu hướng tới người dân và địa phương, là cơ sở trong lĩnh vực quản lý đất đai và đầu tư xây dựng, tạo tiền đề cho việc thực hiện pháp luật về đăng ký bất động sản, góp phần hoàn thiện thị trường bất động sản ở Việt Nam.
5. Phát hiện mới về titan-zircon trong tầng cát đỏ vùng ven biển Ninh Thuận-Bình Thuận và Bắc Bà Rịa-Vũng Tàu với tài nguyên dự báo đạt khoảng 400-500 triệu tấn. Đây là kết quả của Đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng sa khoáng titan- zircon vùng Ninh Thuận – Bình Thuận và Bắc Bà Rịa – Vũng Tàu”. Những kết quả điều tra đến nay cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng quặng titan thuộc loại lớn nhất thế giới, sẽ mở ra tiềm năng phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản titan, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đất nước.
6. Quyết định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Vedan được thi hành, các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm của Công ty Vedan đã được hoàn thành. Hoàn tất việc nộp 127 tỷ đồng tiền truy thu phí bảo vệ môi trường; tạm dừng hoạt động 4 nhà máy Lysine, Tinh bột mì tươi, PGA và Nhà máy Điện 12MW; tháo dỡ toàn bộ các tuyến ống ngầm, các ống bơm, họng xả thải xả nước chưa xử lý ra môi trường; tiến hành thiết kế, xây dựng bổ sung 2 hệ thống xử lý nước thải mới; lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động. Đây là doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường lớn nhất bị bắt quả tang xả nước thải gây ô nhiễm nặng sông Thị Vải.
7. Đoàn Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu tham dự Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP15) tại Copenhagen, Đan Mạch. Đoàn đã có khoảng 30 cuộc tiếp xúc song phương, trong đó có 10 cuộc tiếp xúc với các Nguyên thủ Quốc gia và nhiều cuộc tiếp xúc cấp Bộ trưởng, nhằm huy động sự hỗ trợ của các nước cho Việt Nam để ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều tổ chức quốc tế, nhà tài trợ đã cam kết hỗ trợ cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ quan điểm của Việt Nam đối với các nước phát triển, các nước đang phát triển về trách nhiệm đối với ứng phó với biến đổi khí hậu và được đánh giá cao. Hội nghị bên lề của Việt Nam về biến đổi khí hậu đã được tổ chức với trên 100 đại diện của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ tham dự. Việc tổ chức tốt Hội nghị bên lề của Việt Nam đã mang lại tiếng vang và được báo chí nước ngoài phản ánh, đánh giá là một trong những Hội nghị bên lề thành công nhất tại COP15. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam đã được công bố.
|
8. Dự báo tốt và thông báo kịp thời các thông tin về 11 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới trong năm, trong đó có 6 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta và các đợt mưa lũ. Năm 2009, thiên tai xảy ra liên tiếp, ác liệt với khá nhiều cơn bão hoạt động bất thường; mưa, lũ lịch sử ở miền Trung và Tây Nguyên, khô hạn ở các vùng Bắc Bộ, Trung Bộ… Ngành khí tượng thủy văn đã dự báo kịp thời giúp cho công tác chỉ đạo phòng tránh thiên tai thực sự có hiệu quả.
9. Trạm Thu ảnh vệ tinh đầu tiên của Việt Nam được đưa vào sử dụng kể từ ngày 9 tháng 7 năm 2009, nhằm đáp ứng hiệu quả hơn những yêu cầu giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường trên phạm vi toàn quốc. Đây là bước khởi đầu quan trọng, đặt nền móng cơ bản cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám ở tầm quốc gia. Kể từ đây, Việt Nam trở thành nước thứ 5 trong khối ASEAN có Trạm Thu ảnh vệ tinh và là nước đầu tiên ở Đông Nam Á có Trạm Thu ảnh vệ tinh ENVISAT.
10. Nhằm thống nhất quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường tại các vùng ven biển, vùng biển và hải đảo Việt Nam; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, Nghị định số 25/2009/NĐ-CP của Chính phủ đã được ban hành ngày 06 tháng 3 năm 2009. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo Việt Nam; nhằm quản lý thống nhất, liên ngành, liên vùng, hài hòa lợi ích chung giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
Về việc triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định, năm 2010 sẽ là năm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tài nguyên và môi trường theo cả bề rộng và chiều sâu. Trọng tâm sẽ đặt vào các vấn đề được dư luận quan tâm như: chấp hành pháp luật môi trường, đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, dự án sân golf…
Các diễn đàn đối thoại chính sách, trao đổi thông tin pháp luật môi trường cũng sẽ được mở rộng, đặc biệt là về Luật đa dạng sinh học và Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. |