ThienNhien.Net – Trong năm 2009, Tổng Cục Môi trường đã chủ động triển khai đánh giá tác động môi trường thủy điện, triển khai Luật Đa dạng Sinh học và thực hiện thanh tra quyết liệt, tháo gỡ cơ bản một số điểm nóng về môi trường… tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. "Tổng Cục cần phát huy kết quả đạt được năm 2009, đổi mới tư duy tạo bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, đáp ứng đòi hỏi bức thiết của xã hội", là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2009 triển khai nhiệm vụ năm 2010 của Tổng Cục Môi trường.
Đẩy mạnh kiểm tra các ngành nghề và địa bàn “nóng” về môi trường
Theo báo cáo của PGS.TS Bùi Cách Tuyến, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường, năm 2009, Tổng Cục đã chủ trì xây dựng 21 văn bản pháp luật, (có 2 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) và 4 văn bản ngoài danh mục, chiếm 43% tổng số văn bản pháp luật xây dựng năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tổng cục đã triển khai 18 cuộc thanh tra, kiểm tra định kỳ, 4 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất; tham gia 5 đoàn thành tra, kiểm tra và phối hợp xử lý vụ việc vi phạm về bảo vệ môi trường đối với 793 cơ sở sản xuất kinh doanh trên phạm vi cả nước. Đã lập biên bản và đề nghị Thanh tra các Sở TN&MT xử phạt các vi phạm trên 10 tỷ đồng; truy thu phí bảo vệ môi trường trên 1 tỷ đồng đối với Công ty cổ phần Bia Sài Gòn- Nghệ Tĩnh.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra tập trung vào các ngành nghề, địa bàn “nóng” về môi trường như ngành công nghiệp rượu – bia – nước giải khát, mật rỉ đường, mủ cao su, tinh bột sắn ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản tại Lào Cai, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lâm Đồng, Đắk Nông. Tổng cục đã tổ chức 2 đoàn thanh tra để khắc phục các vi phạm theo kết luận kiểm tra năm 2008 đối với 71 cơ sở và KCN thuộc lưu vực sông Cầu, 80 cơ sở thuộc lưu vực sông Thị Vải; tiếp tục xử phạt các đơn vị không thực hiện nghiêm túc việc khắc phục hậu quả gây ô nhiễm. Đặc biệt, Tổng cục đã tổ chức thanh tra 55 cơ sở được Bộ TN&MT cấp phép hành nghề vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại trên phạm vị cả nước. |
Cụ thể, Tổng Cục phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ triển khai việc kiểm tra khắc phục vi phạm về bảo vệ môi trường của Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam xả nước thải gây ô nhiễm sông Thị Vải; Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Huyndai-Vinashin xử lý hạt Nix thải; Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Công ty TNHH Miwon thuộc tỉnh Phú Thọ; kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa; tham gia đoàn công tác kiểm tra việc triển khai các dự án khai thác quặng bauxite tại Tây Nguyên theo chỉ đạo của Chính phủ…
Tập trung rà soát các văn bản pháp luật về môi trường
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch Quốc gia kiểm soát ô nhiễm môi trường đến năm 2010, Tổng cục đã xây dựng và triển khai thực hiện “Dự án Bảo vệ môi trường làng nghề” và “Chương trình điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm xuyên biên giới đối với các hệ thống sông Hồng, sông Mê Kông”; tổ chức nghiên cứu, đề xuất các nội dung nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về quản lý các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; xây dựng và trình Bộ ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh; chất lượng không khí-nồng độ tối đa cho phép của một số chất độc hại trong không khí xung quanh.
Đặc biệt, Tổng cục đã nghiêm túc triển khai các quyết định, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như thực hiện kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg (phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng), các đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông; triển khai Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia; triển khai Luật Đa dạng sinh học và Kế hoạch hành động đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; thực hiện Công ước Đa dạng Sinh học và Nghị định thư Cartagenna về an toàn sinh học.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên yêu cầu Tổng cục tập trung vào việc rà soát lại toàn bộ văn bản pháp luật về môi trường, kể cả Luật Bảo vệ Môi trường, để có kế hoạch sửa đổi bổ sung phù hợp thực tế; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn môi trường, hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và triển khai chủ trương, kế hoạch kinh tế hóa ngành môi trường của Bộ.
Cần tạo ra sự đột phá trong việc bảo vệ môi trường các lưu vực sông, các khu công nghiệp, các điểm nóng ô nhiễm và rác thải nông thôn. Trong đó công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm cần triển khai quyết liệt, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã nhấn mạnh yêu cầu này đối với Tổng cục Môi trường.