Những tỷ phú nông dân ở Đồng Nai

ThienNhien.Net – Táo bạo, ham tìm tòi học hỏi cái mới, họ vượt qua mọi rào cản mà người nông dân Việt Nam còn đang vướng phải để từng bước tiếp cận, nắm bắt khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nông nghiệp đem lại năng suất và hiệu quả cao hơn. Dám chịu thất bại để thành công, họ góp phần thay đổi quan niệm về những người nông dân chân lấm tay bùn trên đồng ruộng. Họ chỉ là những người nông dân bình thường, nhưng đã chịu khó vươn lên làm giàu, trở thành ông chủ của các công ty nông nghiệp đang ngày một phát triển trên đất Đồng Nai.


Làm giàu từ bàn tay trắng

Xuất thân là một nông dân nghèo khó, đi làm thuê kiếm sống, bằng nỗ lực của bản thân, gia đình, anh Hồ Sơn Tư – một nông dân huyện Trảng Bom đã gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Trang trại Hồ Sơn Tư được thành lập, từng bước phát triển và đạt được những thành công rực rỡ từ chính đôi bàn tay chăm lam chăm làm và ý chí sắt đá của người nông dân cần cù này.

Hiện nay anh Tư đang là chủ trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp với diện tích 30 ha, 200 ha rừng chuyên canh cây lâm nghiệp, cây ăn trái với đàn bò 500 con và 80 con bò giống lai Sind kèm một phân xưởng chế biến đồ gỗ trang trí nội ngoại thất với tổng vốn đầu tư khoảng 17 tỷ đồng. Tổng giá trị sản lượng hàng hóa của Trang trại Hồ Sơn Tư năm 2008 của trang trại là 3,5 tỷ đồng, lợi nhuận 320 triệu đồng. Dự kiến giá trị sản lượng hàng hóa năm 2009 là 7 tỷ đồng, lợi nhuận 400 triệu đồng.

Trang trại Hồ Sơn Tư đã chủ động xây dựng website: Hosontu.com vào năm 2007 để giới thiệu và bán sản phẩm đồ gỗ. Cũng từ đó trang trại của anh có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thêm nhiều đối tác trong việc thu mua nguyên liệu và phân phối sản phẩm của mình.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

Là chủ trang trại chăn nuôi heo có diện tích 5 ha với tổng đàn hiện nay khoảng 4.000 con, trung bình mỗi tháng cung cấp khoảng 400 heo thịt ra thị trường, Anh Nguyễn Trí Công, chủ trang trại nuôi heo Trí Công ở Hố Nai 1, thành phố Biên Hòa là một điển hình sinh động trong việc đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nổi như cồn cả trong lẫn ngoài tỉnh về một mô hình làm kinh tế trang trại hiệu quả, anh Công là một tấm gương về người nông dân hiện đại ngày nay, biết thay cái cuốc, cái cày bằng máy vi tính để làm giàu cho chính bản thân và xã hội.

Ông Nguyễn Trí Công, chủ trại cho biết: “Về sản xuất thức ăn, trại đang ứng dụng hai phần mềm chuyên biệt để tổ hợp khẩu phần như Brill formulation của Mỹ và feedlive của Thái Lan với ưu điểm giải quyết được hầu hết nhu cầu cần thiết của từng loại gia súc. Với một phép tính thật đơn giản, mỗi kg thức ăn được sản xuất từ trại rẻ hơn được 500 đồng giá thức ăn trên thị trường, mỗi tháng trại sử dụng 120 tấn, tiết kiệm được 60 triệu đồng, thêm vào đó là sự chủ động trong việc tận dụng những nguyên liệu sẵn có của địa phương nhằm tiết kiệm chi phí”.


Quản lý quy trình chăn nuôi heo bằng phần mềm tại Trại heo Trí Công. (Ảnh: Thanh Minh)

Trên thị trường hiện nay, nhiều công ty trong cũng như ngoài nước đang ứng dụng rất nhiều phần mềm quản lý về giống heo như: Herman, pig live, Rita, Euro pig… tùy nhu cầu. Riêng trại heo Trí Công sử dụng phần mềm Herman của Mỹ nhằm giúp quản lý đàn nái một cách hiệu quả nhất đồng thời đánh giá được năng suất của từng nái qua các thời kỳ sinh sản, phân tích ưu và khuyết điểm của từng con, lập gia phả về đàn giống.

Anh Trí Công nhận định, “thật sự với những tiến bộ về CNTT như hiện nay tôi nghĩ rằng nếu các trang trại, những hộ sản xuất nông nghiệp nếu chúng ta chỉ cần có một chút kiến thức cộng với một niềm say mê nghề nghiệp, những người nông dân sẽ đỡ vất vả hơn, cập nhật được những thông tin sản xuất, kinh nghiệm từ các nhà quản lý, các tiến bộ về khoa học cho chính ngành nghề của mình thì chắc chắn người nông dân sẽ giàu lên. Bên cạnh đó, bản thân tôi cũng thường xuyên cập nhật những thông tin và dịch bệnh hàng ngày từ những trang web của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Thú y… để tiện theo dõi những diễn biến trong ngành chăn nuôi, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp khi có biến động”.

Hiện trại heo Trí Công đang xây dựng một trang trại mới với diện tích khoảng 50 hecta, dự kiến tổng đàn khoảng 25.000 con. Trang trại được cho là một mô hình mới trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. “Việc quản lý và điều hành hoạt động của trang trại bằng hình ảnh thông qua mạng internet, ứng dụng công nghệ chăn nuôi kỹ thuật cao nhằm đáp ứng về con giống, cung cấp sản phẩm về heo thịt an toàn cho người tiêu dùng với phương châm “chăn nuôi sạch an toàn từ trang trại tới bàn ăn”, trong đó quy trình bảo vệ môi trường được đặt lên hàng đầu. Trại heo Trí công đang dự định hợp tác với Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng nai, Công ty Proconco, Công ty D&F và một số công ty khác để có những hướng đi tốt cho chăn nuôi an toàn hiện nay”- anh Công nói.

Táo bạo chọn hướng đi riêng

Mỗi người mỗi cách thức làm ăn khác nhau nhưng họ đều có cùng một điểm chung là sự cần cù nhẫn nại, tư duy nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, biết chớp thời cơ để thành công. Ông Hồ Sáu – nông dân sản xuất giỏi của huyện Trảng Bom cũng là một tấm gương như thế.

Tây Hòa là xã nằm gần trung tâm huyện Trảng Bom, nơi tập trung các nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, sơ chế tinh bột. Nhờ tiếp cận thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ mà ngày nay trên địa bàn xã có nhiều giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao. Tuy nhiên do đến mùa, người dân tập trung thu hoạch dẫn đến cung vượt cầu, khiến các thương lái thừa cơ ép giá, người dân buộc phải bán sản phẩm để thanh toán tiền công, phân bón và các khoản chi tiêu phát sinh trong quá trình sản xuất nên hàng hóa nông dân sản xuất ra thường được lợi nhuận thấp.

Bức xúc trước thực trạng trên, ông Hồ Sáu, đã mạnh dạn đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ phát triển dự án sơ chế khoai mì lát để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương, đồng thời giúp ổn định giá bán cho nông dân. Từ đó đến nay, người nông dân trồng khoai mì đã có thu nhập ổn định bởi đầu ra được đảm bảo.

Không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi, một cán bộ Hội Nông dân năng nỗ và giàu tâm huyết, cuối năm 2008, ông Hồ Sáu đã thành lập Công ty Cổ phần Việt Nam Nông lâm chuyên sản xuất, chế biến thức ăn gia súc, mua bán và xuất khẩu nông lâm sản với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty.


Dự án sơ chế khoai mì của ông Hồ Sáu mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. (Ảnh: Thanh Minh)

“Nhờ tiếp cận với khoa học công nghệ và tìm kiếm thông tin bằng internet tôi đã biết thêm được nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm khoai mì sơ chế để bán ra thị trường với giá thành cao và ứng dụng các phương pháp bảo quản hàng nông sản đạt chất lượng với chi phí thấp. Cũng từ internet công ty của tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng, quan hệ làm ăn với nhiều đối tác mua bán sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài nước” – ông Sáu bật mí bí quyết thành công.

Qua quá trình trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ông Sáu còn chế biến thành công thức ăn gia súc dành cho bò sữa để phục vụ sản xuất và xuất khẩu theo đơn đặt hàng sang Hàn Quốc, Nhật Bản… Ở trong nước, công ty của ông đã liên kết cung ứng thức ăn gia súc cho các nông trường, công ty chăn nuôi bò sữa và gia súc. Bản thân ông Hồ Sáu đã nhiều lần vinh dự nhận được những giải thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và tỉnh Đồng Nai như: Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ, Giải thưởng Sao vàng Đồng Nai, Huy chương vì giai cấp Nông dân Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp khoa học công nghệ, Chiến sĩ thi đua cấp Trung ương…

Con đường đi đến thành công

Thành công của những điển hình nông dân sản xuất giỏi như anh Nguyễn Trí Công, anh Hồ Sơn Tư hay ông Hồ Sáu chắc chắn không phải là nhờ may mắn như kiểu “nhờ số trời” mà đó chính là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của những người nông dân có tư duy mở thời hiện đại. Vượt qua những khó khăn cản lối làm giàu, họ học hỏi, tích cóp kinh nghiệm từ những thành công của người đi trước, cũng có khi từ trải nghiệm của chính bản thân. Nhiều người trong số họ đã từng nếm mùi vị đắng cay của sự thất bại nhưng đã dũng cảm đứng lên làm lại và thành công từ hai bàn tay tần tảo mưa nắng.


Mô hình nuôi gà theo kiểu trại lạnh của Trại gà Thanh Đức. (Ảnh: Thanh Minh)

Chủ trại gà Thanh Đức ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc từng trắng tay khi cơn dịch cúm gà hoành hành buộc anh phải tiêu hủy 19.000 con gà qua bao nhiêu năm gầy dựng từ đồng vốn ít ỏi dành dụm được. Để rồi đến khi nhận ra chính lối làm ăn theo kiểu tư duy kinh nghiệm đang đè nặng lên người nông dân sớm muộn gì cũng dẫn đến thất bại bởi sự bấp bênh, chờ thời, anh đã mạnh dạn đi tìm phương pháp chăn nuôi hiệu quả hơn, bỏ lại sau lưng những e ngại, nghi ngờ của mọi người. Chính lối suy nghĩ đó đã giúp anh Đức trở thành một tỷ phú, trong tay có số vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng như ngày nay.

Thương hiệu trứng gà sạch Thanh Đức đang được cộng đồng người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình và đang được các siêu thị độc quyền phân phối. Thành quả có được của anh Đức hôm nay là phần thưởng xứng đáng cho những tháng ngày nhọc nhằn mưu sinh, không ngại gian khổ và dám thất bại để làm lại tốt hơn. Ước mơ của anh Đức không dừng lại nơi đây mà còn tiến xa hơn nữa khi quyết định đầu tư phát triển thương hiệu và xây dựng một webstie riêng để rộng đường làm ăn.